Dịch Covid-19 trên toàn thế giới đang gia tăng rất nhanh chóng và không có dấu hiệu thuyên giảm. Vì thế, các nhà khoa học đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển vắc-xin và cách điều trị Covid-19 để làm chậm đại dịch và cứu sống nhiều người hơn.
Ngày 18-3-2020, Nhà Trắng (Mỹ) đã có một cuộc họp về các loại thuốc chống virus để điều trị Covid-19. Tổng thống Trump đã thúc đẩy Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) loại bỏ các rào cản để điều trị cho những người bị coronavirus.
Ngày 29-3, FDA đã cấp phép sử dụng thuốc chống sốt rét là hydroxychloroquine và chloroquine để điều trị bệnh cho người có triệu chứng coronavirus chủng mới trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, các vắc-xin và cách điều trị Covid-19 hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Các quan chức từ Liên minh châu Âu cũng cho biết cần thêm những bằng chứng xác thực về hiệu quả của thuốc hydroxychloroquine và chloroquine đối với bệnh nhân Covid-19.
Sự tiến bộ công nghệ cho phép các nhà nghiên cứu phát triển vắc-xin và cách điều trị Covid-19 nhanh hơn. Tuy nhiên, FDA cho biết các nghiên cứu vẫn phải mất ít nhất 1 năm vì cơ quan cần đảm bảo tính an toàn của vắc-xin, thuốc và các phương pháp điều trị khác.
Dưới đây là một số vắc-xin và cách điều trị Covid-19 đang được nghiên cứu để sớm ngăn chặn được virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19.
Các nghiên cứu về cách điều trị Covid-19
Thuốc và các phương pháp điều trị có sẵn đang được thử nghiệm và nghiên cứu để giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Dưới đây là những nghiên cứu về các phương pháp điều trị Covid-19.
1. Thuốc kháng virus SARS-CoV-2
Thuốc kháng virus tập trung vào virus ở những người đã bị nhiễm bệnh. Chúng hoạt động theo những cách khác nhau, có khi là ngăn chặn virus nhân lên nhưng cũng có khi là ngăn chặn virus lây sang các tế bào.
Thuốc kháng virus hoạt động hiệu quả hơn nếu được dùng để điều trị trước khi virus có cơ hội nhân lên đáng kể gây thiệt hại cho phổi và các mô khác. Vắc-xin và cách điều trị Covid-19 này là 2 công cụ có giá trị trong việc chống lại virus corona gây bệnh viêm phổi lạ.
Thuốc sẽ được nghiên cứu và phát triển trong phòng thí nghiệm trước, sau đó sẽ thử nghiệm trên động vật và chuyển sang thử nghiệm lâm sàng ở người. Dưới đây là một số thuốc điều trị Covid-19 đang được nghiên cứu và thử nghiệm.
• Remdesivir: Remdesivir được phát triển cách đây 10 năm nhưng không giúp chống lại Ebola trên các thử nghiệm lâm sàng vào năm 2014 nhưng là thuốc an toàn ở người. Tuy nhiên, remdesivir đã được chứng minh là giúp ngăn chặn virus nhân lên ở dịch bệnh MERS.
Vì thế, thuốc remdesivir đang được thử nghiệm lâm sàng để xem mức độ hiệu quả về việc chống virus corona chủng mới gây ra Covid-19.
• Kaletra: Kaletra là sự kết hợp của hai loại thuốc có tác dụng chống lại HIV. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện để xem liệu sự kết hợp này có giúp chống lại virus corona gây bệnh viêm phổi lạ lây từ người sang người hay không.
• Thuốc chloroquine: Các nghiên cứu ban đầu trong phòng thí nghiệm cho thấy loại thuốc chống sốt rét này có tác dụng chống lại virus gây ra Covid-19 bằng cách ngăn chặn nhiễm trùng. Một thử nghiệm lâm sàng nhỏ ở Pháp cho thấy nó hỗ trợ trong việc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, nghiên cứu này là ngẫu nhiên nên cần có các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland ở Úc dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng về chloroquine và một loại thuốc chống HIV. Thuốc này cùng với hydroxychloroquine đã được FDA cấp chỉ định sử dụng khẩn cấp vào ngày 29-3-2020.
• Favipiravir: Thuốc favipirivir được chấp thuận ở một số quốc gia ngoài Hoa Kỳ để điều trị cảm cúm. Thuốc cũng cho thấy những hiệu quả nhất định trong thời gian thử nghiệm nhưng vẫn cần thêm bằng chứng và thử nghiệm.
2. Các phương pháp điều trị khác
Bên cạnh nghiên cứu về thuốc điều trị Covid-19, các nhà khoa học cũng đang xem xét các cách khác để chống virus hoặc điều trị các biến chứng của Covid-19. Dưới đây là một số phương pháp điều trị.
• Kháng thể đơn dòng: Phương pháp này giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch để tấn công virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19. Các nhà khoa học đã phân lập được 500 kháng thể độc nhất từ một người đã hồi phục từ Covid-19 và chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm chúng.
• Truyền huyết tương: FDA đã công bố một quy trình cho các cơ sở y tế tiến hành lấy huyết tương từ những người đã hồi phục Covid-19 và thử nghiệm điều trị cho người bệnh mới. Giả thuyết cho rằng máu chứa các kháng thể sẽ tấn công được virus SAS-CoV-2.
• Dùng tế bào gốc: Tổ chức Athersys đã công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy việc điều trị bằng tế bào gốc mang lại lợi ích cho những người mắc hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Tình trạng này xảy ra ở một số người bị Covid-19 nặng.
Công ty Mesoblast đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm tế bào gốc trong một nhóm nhỏ những người có Covid-19 với kết quả khả quan.
3. Các giai đoạn thử nghiệm thuốc
Các vắc-xin và cách điều trị Covid-19 sau khi được thí nghiệm trên động vật sẽ phải trải qua một số giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi được chấp thuận sử dụng rộng rãi ở người.
Tuy nhiên, thuốc có thể được điều trị trực tiếp mà không qua thử nghiệm lâm sàng theo chương trình “compassion program” (chương trình bác ái) của FDA. Những người tham gia chương trình phải có tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc bệnh có đe dọa đến tính mạng.
Các bác sĩ tại Đại học California đã đảm bảo loại phê duyệt này cho một phụ nữ bị Covid-19 nặng uống thuốc remdesivir. Báo cáo cho thấy hiện bệnh nhân đang hồi phục rất tốt.
Nhiều người coi đây là một dấu hiệu cho thấy thuốc có tác dụng nhưng vì thuốc chỉ thử nghiệm lâm sàng trên một người nên không thể kết luận chắc chắn về tác dụng điều trị của thuốc.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ bao gồm các giai đoạn dưới đây:
• Giai đoạn 1: Thuốc được dùng cho một số ít người khỏe mạnh và những người mắc bệnh để tìm tác dụng phụ và tìm ra liều dùng tốt nhất.
• Giai đoạn 2: Thuốc được dùng trên hàng trăm người mắc bệnh để xem thuốc có tác dụng hay không và liệu có bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình thử nghiệm ban đầu không.
• Giai đoạn 3: Giai đoạn này sẽ thử nghiệm trên quy mô lớn lên đến 3.000 người. Một nhóm người sẽ dùng giả dược (placebo) hoặc hợp chất không hoạt động. Thử nghiệm thường ngẫu nhiên và có thể mất từ 1 – 4 năm. Giai đoạn này cung cấp bằng chứng tốt nhất về cách thức hoạt động của thuốc và các tác dụng phụ phổ biến của thuốc.
• Giai đoạn 4: Các nhà nghiên cứu sẽ phải theo dõi liên tục các loại thuốc đã được phê duyệt để đảm bảo không có tác dụng phụ nào khác. Đặc biệt là các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lâu dài.
Các vắc xin đang được nghiên cứu
Trước tình hình dịch đang diễn biến mạnh mẽ, mọi người đều mong muốn vắc-xin phòng virus corona chủng mới nhanh chóng được phát minh để ngăn ngừa dịch.
Vắc-xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 thông qua cơ chế tạo đáp ứng miễn dịch nhớ. Đây sẽ là cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của loại coronavirus này trong cộng đồng.
Một số công ty đã bắt đầu những cuộc thử nghiệm để tìm ra vắc-xin tiềm năng sau khi các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ trình tự di truyền của virus gây bệnh Covid-19.
Dưới đây là tên một số công ty đang thử nghiệm và nghiên cứu vắc-xin và cách điều trị Covid-19:
• Moderna: Công ty này đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin RNA thông tin (mRNA) trong một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tại Seattle, Washington. Nghiên cứu bao gồm 45 tình nguyện viên khỏe mạnh, tuổi từ 18 – 55. Những nghiên cứu trước đó cho thấy Mrna thường khá an toàn nên công ty bỏ qua một số thử nghiệm trên động vật đối với loại vắc-xin cụ thể này.
• Inovio: Khi Covid-19 xuất hiện vào tháng 12, công ty đã thử nghiệm vắc-xin DNA giúp phòng ngừa MERS. Điều này cho phép công ty nhanh chóng phát triển một loại vắc-xin tiềm năng để ngừa dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra.
• Đại học Queensland tại Úc: Các nhà nghiên cứu đang phát triển một loại vắc-xin bằng cách phát triển protein virus trong nuôi cấy tế bào. Họ dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 3 năm 2020.
• Các công ty dược phẩm: Johnson & Johnson và Sanofi đều đang nghiên cứu một loại vắc-xin của riêng họ.
Những tiến bộ trong giải trình tự gene và các phát triển công nghệ khác đã giúp thúc đẩy các nhà nghiên cứu phát triển vắc-xin. Tuy nhiên, tiến sĩ Anthony Fauci (giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ) cho biết vắc-xin sẽ không được đưa vào cộng đồng để sử dụng trong ít nhất 12-18 tháng. Đây là mốc thời gian hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, song vẫn không có gì đảm bảo vắc-xin nào sẽ hiệu quả trong việc phòng ngừa virus corona.
Các loại vắc-xin và cách điều trị Covid-19 vẫn cần nhiều thời gian để nghiên cứu và thử nghiệm. Dù tình hình dịch là cấp bách song các nhà nghiên cứu luôn phải cẩn trọng về tính an toàn của thuốc và vắc-xin trước khi đưa ra cộng đồng. Trước mắt, bạn vẫn cần hợp tác với chính phủ để phòng ngừa Covid-19 và cần khai báo thực tế nếu có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm bệnh để bảo vệ bản thân nhé.