Dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi là một trong những nội dung mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Đây chính là thời điểm trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo hoặc các lớp mầm non. Chính vì vậy, bố mẹ cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng. Như vậy, vì sao các chuyên gia khuyến cáo bố mẹ nên chú trọng đến dinh dưỡng của trẻ lúc 3 tuổi? Nó có tác dụng và vai trò ra sao? Hãy cùng YouMed đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi
Theo các chuyên gia về Nhi khoa, trẻ ở thời điểm 3 tuổi có sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của bộ não. Nếu như lúc 1 tuổi, bộ não của trẻ chỉ phát triển đến 70 % so với người trưởng thành. Đến 3 tuổi, não của trẻ có thể phát triển đến con số bằng 80% so với người trưởng thành.
Bên cạnh đó, thể chất của trẻ cũng có tốc độ tăng trưởng rất lớn. Bé đi học lớp mầm non sẽ hoạt động bên ngoài nhiều hơn, cần nhiều năng lượng hơn. Chính vì vậy, một chế độ dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi hợp lý sẽ giúp bé phát triển toàn diện. Không chỉ về thể chất mà còn cả về trí tuệ.
Ngoài ra, mặc dù có sự tăng trưởng và phát triển mạnh, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Chính vì điều đó, các bậc phụ huynh nên chú ý chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với hệ tiêu hóa của bé. Hạn chế những tình trạng rối loạn có liên quan đến vấn đề tiêu hóa, hấp thu thức ăn.
2. Đặc điểm sinh lý của trẻ 3 tuổi
Nắm được đặc điểm sinh lý của trẻ 3 tuổi, quý phụ huynh sẽ biết cách cân nhắc chế độ dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi. Trẻ 3 tuổi có một hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng chưa thực sự hoàn thiện như người trưởng thành. Vì vậy, bố mẹ nên ưu tiên chọn những loại thức ăn mềm và dễ tiêu.
Về sự phát triển chiều cao và trí tuệ: Trẻ 3 tuổi cao trung bình 95,1 đến 96,1 cm. Cân nặng trung bình trong khoảng từ 13,9 đến 14,3 Kg. Trí tuệ của trẻ phát triển nhanh chóng để hỗ trợ cho quá trình học hỏi của trẻ. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất sẽ giúp trẻ phát triển hoàn thiện hơn.
Về tâm lý: Trẻ bắt đầu hình thành nên cái tôi của chính mình. Bé đã quan tâm nhiều hơn đến thế giới xung quanh. Đồng thời, trẻ lên 3 còn biết thể hiện cảm xúc của bản thân. Có thể xuất hiện tình trạng “khủng hoảng tuổi lên 3”. Chính vì đặc điểm ấy, bố mẹ không nên gây áp lực đối với việc ăn uống của trẻ.
3. Nhu cầu cơ bản trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi
Nhu cầu cơ bản đối với chế độ dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi bao gồm:
- 150 đến 200 gram cơm tẻ. Nếu mẹ cho bé ăn bún, mì, nui, phở,… thì giảm cơm đi một phần.
- 150 đến 200 gram chất đạm. Những thực phẩm giàu đạm điển hình như: thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, sữa giàu đạm, các cây họ đậu,…
- 3 thìa cà phê dầu thực vật mỗi ngày, chia đều cho 3 bữa ăn chính.
- 150 đến 200 gram chất xơ như rau xanh, củ cà rốt, củ dền,…
- 400 đến 500 ml sữa tách béo hoặc ít béo.
- 700 đến 800 ml nước chín trong 1 ngày.
Ở giai đoạn trẻ được 3 tuổi, bé đã có thể ăn theo những bữa ăn như người lớn. Đồng thời có thể đưa ra những yêu cầu về các món ăn. Mặt khác, mẹ nên chuẩn bị kỹ thức ăn cho bé, chẳng hạn như:
- Ninh nhừ hoặc băm nhỏ thịt.
- Đối với món cá, mẹ cần lấy sạch xương trước khi cho trẻ ăn.
- Rau nên được cắt nhỏ và luộc hoặc nấu cho mềm hơn, dễ tiêu hơn.
- Củ nên gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng nhỏ và nấu cho mềm.
- Sữa nên pha bằng nước sôi 100 độ C, khuấy tan hoàn toàn, để hơi ấm và cho trẻ uống.
4. Thực đơn gợi ý cho mẹ
Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ 3 tuổi gợi ý cho các mẹ đó là:
Bữa ăn sáng
Mẹ linh hoạt chọn các món ăn sau:
- Sữa tươi ít béo hoặc tách béo.
- Bánh ngọt, bánh mặn.
- Trứng gà luộc.
- Cháo dinh dưỡng thịt bằm, đậu đỏ, rau xanh,…
Bữa ăn trưa
Bố mẹ có thể cho trẻ ăn cơm cùng với thịt, cua, tôm, cá, trứng. Thêm vào đó là 1 thìa cà phê dầu thực vật hoặc bơ. Bổ sung chất xơ như rau củ quả. Ăn tráng miệng bằng trái cây (cam, quýt, táo) hoặc sữa chua.
Bữa ăn tối
Mẹ có thể cho bé ăn cơm tẻ, mì sợi, nui, phở, hủ tiếu, súp thịt,… Ngoài ra, các bác sĩ khuyên mẹ nên cho trẻ uống 1 cốc sữa ngọt trước khi đi ngủ. Mục đích là để phòng hạ đường huyết lúc ngủ.
Các bữa phụ
Mẹ có thể linh hoạt cho trẻ ăn thay đổi các thực đơn sau:
- Rau câu.
- Nước ép trái cây.
- Chè.
- Bánh ngọt.
- Bánh flan.
- Sinh tố trái cây.
Trẻ hoạt động ở độ tuổi này cần từ 1200 đến 1600 calo mỗi ngày. Chính vì vậy, mẹ nên cho bé ăn ít nhất 3 bữa chính và 2 bữa phụ trong 1 ngày. Cho bé uống thêm sữa và uống đủ nước trong ngày. Mục đích là để giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của trẻ được tối ưu nhất.