Tăng huyết áp thứ phát và những nguyên nhân ít ai ngờ đến

0
1196

Ngày nay, tăng huyết áp thứ phát có thể dễ dàng phát sinh bởi nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe, bao gồm béo phì, bệnh thận hay rối loạn hormone.

Tăng huyết áp là một vấn đề sức khỏe phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh 1/3, tức là cứ ba người sẽ có một người phải đối mặt với nó. Phần lớn trường hợp, người bệnh sẽ bị tăng huyết áp vô căn. Tuy nhiên, hiện nay, không ít người được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp thứ phát.

Vậy, tăng huyết áp thứ phát là gì? Vì sao tình trạng này có thể phát sinh? Hãy cùng Bacsytructuyen tìm kiếm lời giải đáp qua bài viết dưới đây nhé.

Tăng huyết áp thứ phát là gì?

Huyết áp là lực do tim tạo nên, chịu trách nhiệm vận chuyển máu đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Tăng huyết áp hay cao huyết áp phát sinh khi áp lực có cường độ quá lớn. Điều này cũng đại diện cho các vấn đề như:

  • Thành động mạch có xu hướng chịu thương tổn
  • Cơ tim hoạt động quá nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cơ quan này

Dựa vào nguyên nhân tăng huyết áp, các nhà nghiên cứu đã chia bệnh lý này thành hai nhóm, bao gồm:

  • Tăng huyết áp vô căn: còn gọi là cao huyết áp nguyên phát. Theo thống kê, hơn 90% trường hợp người bị tăng huyết áp thuộc nhóm này. Đối với tăng huyết áp vô căn, bác sĩ dường như không thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.
  • Tăng huyết áp thứ phát: phát sinh do một số bệnh lý cụ thể. Thông thường, chỉ khoảng 10% người mắc bệnh cao huyết áp rơi vào trường hợp này.

Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát

Tương tự nhiều loại bệnh lý khác, điều trị tăng huyết áp thứ phát sẽ đem lại kết quả tốt hơn khi bạn xác định được vì sao chỉ số huyết áp của mình lại vượt mức phạm vi lý tưởng. Ngoài ra, trong trường hợp này, liệu trình điều trị còn có khả năng kiểm soát cả tình trạng sức khỏe tiềm ẩn lẫn huyết áp cao. Từ đó, tỷ lệ nguy cơ phát sinh biến chứng cũng sẽ giảm, bao gồm:

  • Bệnh tim mạch
  • Suy thận
  • Đột quỵ

Nguyên nhân phổ biến

Phần lớn trường hợp, chỉ số huyết áp có nguy cơ tăng nhanh bởi những vấn đề sức khỏe như sau:

  • Bệnh thận mãn tính
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Các vấn đề liên quan đến tuyến thượng thận, bao gồm trường hợp xuất hiện khối u
  • Động mạch chủ co thắt (thu hẹp động mạch chủ) hay xơ vữa động mạch
  • Mang thai
  • Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm:
    • Thuốc tránh thai
    • Amphetamine
    • Thuốc chống trầm cảm
    • Nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs)
  • Các vấn đề liên quan đến hormone (nội tiết tố), chẳng hạn như cường aldosterone

Rối loạn hormone

Tăng huyết áp thứ phát phát sinh do vấn đề ở hormone thường bao gồm rối loạn chức năng cường giáp và tuyến giáp. Một trong những vai trò của hormone là kiểm soát huyết áp. Do đó, nếu có sự thay đổi bất thường về số lượng của chúng, áp lực máu cũng sẽ thay đổi theo. Ví dụ như khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng nhiều adrenaline hơn bình thường. Lúc này, do sản xuất quá nhiều hormone nên cơ quan sinh sản nội tiết tố sẽ yêu cầu nhiều oxy cũng như chất dinh dưỡng cần thiết hơn để tiếp thêm năng lượng. Do đó, tim sẽ phải bơm nhiều máu đến khu vực này, gây tăng huyết áp tạm thời.

Các vấn đề ở thận

Mặt khác, nếu các động mạch dẫn đến thận thu hẹp do tình trạng xơ vữa, số lượng tế bào hồng cầu truyền tới cơ quan này sẽ cũng sẽ giảm bớt. Điều này có thể tổn thương đến mô thận, đồng thời khiến áp lực máu tăng lên.

Thực tế, thận đóng vai trò thiết yếu trong quá trình kiểm soát huyết áp. Khi máu truyền qua thận, một số tế bào đặc biệt sẽ tiến hành “đo” huyết áp, từ đó điều chỉnh lượng hormone renin do thận tiết ra. Renin chịu trách nhiệm kiểm soát việc sản sinh hai loại nội tiết tố khác là angiotensin và aldosterone. Cả hai đều có khả năng ảnh hưởng đến huyết áp.

Yếu tố không thể cải thiện

Bên cạnh những nguyên nhân trên, cường độ áp lực lưu thông máu của một người còn có nguy cơ tăng bởi một số yếu tố nhất định, chẳng hạn như:

Tuổi tác

Bạn càng lớn tuổi, chỉ số đo huyết áp càng dễ tăng cao, đặc biệt là chỉ số huyết áp tâm thu. Điều này có thể giải thích do các mao mạch khi ấy đã “lão hóa” và trở nên xơ cứng, khó lưu thông máu.

Chủng tộc

Theo kết quả từ một số nghiên cứu, người Mỹ gốc Phi có xu hướng dễ bị tăng huyết áp hơn người da trắng hoặc da vàng. Đặc biệt, những người này có thể mắc bệnh cao huyết áp ngay từ khi còn rất trẻ. Đồng thời, biến chứng tăng huyết áp cũng sẽ xảy ra sớm hơn với mức độ nghiêm trọng.

Bệnh sử gia đình (yếu tố di truyền)

Các chuyên gia cho biết, cao huyết áp dường như có tính chất di truyền. Nếu một người trong gia đình bạn mắc bệnh, nguy cơ bạn bị tăng huyết áp cũng cao hơn người bình thường.

Giới tính

Nhìn chung, đàn ông dễ mắc bệnh tăng huyết áp hơn phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ còn thay đổi, phụ thuộc vào độ tuổi cũng như chủng tộc.

Yếu tố có thể phòng ngừa

Để ngăn chặn tăng huyết áp thứ phát xảy ra, bạn có thể chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản tại nhà, ví dụ như:

Duy trì trọng lượng khỏe mạnh

Theo các chuyên gia, béo phì là một trong những yếu tố thường thấy có khả năng trực tiếp gây tăng huyết áp. Một số kết quả thống kê chỉ ra rằng nguy cơ tăng huyết áp ở người thừa cân cao gấp 2–6 lần so với những người sở hữu trọng lượng khỏe mạnh.

Chính vì lý do này, các chuyên gia y tế khuyến nghị mọi người nên chủ động điều chỉnh chỉ số cân nặng của bản thân về mức khỏe mạnh để phòng ngừa cao huyết áp. Nếu bạn béo phì, hãy cố gắng giảm cân. Nếu chưa biết trọng lượng khỏe mạnh của mình là bao nhiêu, bạn có thể yêu cầu bác sĩ trợ giúp.

Hạn chế tiêu thụ natri (muối)

Nồng độ natri tích lũy trong cơ thể quá cao cũng là nguyên nhân tăng huyết áp phổ biến. Do đó, giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày sẽ là biện pháp giúp bạn phòng ngừa cũng như điều trị tăng huyết áp.

Thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn là những sản phẩm chứa một lượng lớn muối. Mặt khác, một số loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau cũng chứa nhiều natri. Do đó, bạn nên cân nhắc trước khi sử dụng những mặt hàng hay chế phẩm như trên. Hãy đọc nhãn trước khi mua để tìm hiểu về lượng natri chứa trong sản phẩm. Mỗi ngày, bạn nên đặt mục tiêu chỉ hấp thụ từ 1.500mg natri trở xuống.

Tránh thức uống chứa cồn

Rượu vang đỏ có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, đối với một số người mẫn cảm với cồn, thức uống này có nguy cơ gây tăng huyết áp. Do đó, nhằm duy trì chỉ số huyết áp ở phạm vi lý tưởng, bạn nên hạn chế uống rượu bia.

Không lạm dụng thuốc tránh thai

Trong một số trường hợp, thuốc tránh thai có khả năng gia tăng cường độ áp lực máu ở phụ nữ.

Thường xuyên rèn luyện thể chất

Một lối sống ít tập thể dục hoặc vận động thể chất góp phần vào sự phát triển nguy cơ béo phì. Từ đó, tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp ở bạn cũng sẽ tăng lên.

Cẩn thận khi dùng thuốc

Một số loại thuốc như amphetamine hoặc thuốc giảm cân có xu hướng khiến huyết áp tăng cao. Bởi vì tăng huyết áp không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nên bạn cần tìm hiểu kỹ về những tác dụng phụ của các loại thuốc trước khi sử dụng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here