Ngay sau khi có thông tin về trình tự hệ gen của virus SARS-CoV-2, các hoạt động nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19 đã được nhanh chóng khởi động. Ngày 16-3-2020, vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên đã bắt đầu thử nghiệm trên người.
Nature (9-4-2020) cho biết có khoảng 115 loại vắc xin phòng Covid-19 khác nhau được phát triển và nghiên cứu tính đến ngày 8-4-2020. Trong đó, 78 loại vắc xin đã được xác nhận có hoạt tính và 73/78 đang ở giai đoạn thăm dò hoặc giai đoạn tiền lâm sàng. Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã có 5 loại vắc xin bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Sau đây là danh sách các loại vắc xin phòng Covid-19 tiềm năng nhất đã bắt đầu thử nghiệm trên người từ tháng 4-2020. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các thông tin chi tiết từ dự án thử nghiệm vắc xin đa quốc gia có tên “Solidary” của WHO và Nature.
Danh sách vắc xin phòng covid-19
(*) Ngày 7-4-2020 là thời điểm bắt đầu tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm vắc xin INO-4800 ở Mỹ, thời gian bắt đầu chính thức dự định là vào cuối tháng 4-2020.
Hiện nay có 19 quốc gia đang tập trung chế tạo và nghiên cứu hiệu quả của các loại vắc xin phòng Covid-19. Bắc Mỹ là nơi có nhiều loại vắc xin đang được phát triển và nghiên cứu nhất với 36/78 (chiếm 46%) vắc xin có hoạt tính.
Ngoài ra, 14/78 (chiếm 18%) vắc xin có hoạt tính được sản xuất châu Âu. Trung Quốc có 14 loại vắc xin Covid-19 có hoạt tính, châu Á (bao gồm cả Úc, không bao gồm Trung Quốc) có 14 loại vắc xin Covid-19 có hoạt tính.
1. Vắc xin mRNA-1273 thử nghiệm tại Mỹ
Vắc xin mRNA-1273 do công ty công nghệ sinh học Moderna tại Cambridge, Massachusetts nghiên cứu và phát triển.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (mã số NCT04283461) đã được khởi động tại Seattle (Mỹ) vào ngày 16-3-2020. Đây là thử nghiệm nhằm đánh giá độ an toàn và khả năng tạo đáp ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 của vắc xin mRNA-1273.
Thử nghiệm vắc xin mRNA-1273 tuyển chọn 45 tình nguyện viên là những người trưởng thành và khỏe mạnh ở độ tuổi 18-55. Tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm 1 liều vắc xin phòng Covid-19 này vào 16-3. Thử nghiệm dự định thực hiện trong vòng 6 tuần.
Theo chia sẻ của NIH (16-3-2020) về kế hoạch thực hiện thử nghiệm, các tình nguyện viên được tiêm 2 liều vắc xin (tiêm bắp), liều thứ 2 cách liều thứ nhất khoảng 28 ngày. Thử nghiệm sẽ dùng các liều khác nhau: 25 mcg, 100 mcg, 250 mcg. Tình nguyện viên sẽ chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 15 người:
- 4 tình nguyện viên đầu tiên: tiêm vắc xin liều thấp
- 4 tình nguyện viên tiếp theo: tiêm vắc xin liều 100 mcg
Sau khi đánh giá độ an toàn của vắc xin mRNA-1273, các tình nguyện viên còn lại sẽ được tiêm các liều từ 25-100 mcg và nghiên cứu đánh giá độ an toàn sẽ được tiến hành sau đó. Nếu đảm bảo an toàn, 15 tình nguyện viên cuối cùng sẽ được tiêm vắc xin ở liều 250 mcg.
Khi tham gia thử nghiệm vắc xin phòng ngừa Covid-19, các tình nguyện viên sẽ được yêu cầu tái khám thường xuyên theo lịch hẹn trong vòng 1 năm. Các bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng phổ biến thường gặp khi tiêm vắc xin như đỏ chỗ tiêm, sốt… Mẫu máu từ các tình nguyện viên cũng sẽ được thu thập ở những thời điểm khác nhau để đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch với SARS-CoV-2.
2. Vắc xin Ad5-nCoV thử nghiệm tại Trung Quốc
Vắc xin Ad5-nCoV là một loại vắc xin tái tổ hợp do công ty Cansino Biologics phối hợp với Viện công nghệ sinh học và Viện nghiên cứu quân y Trung Quốc cùng hợp tác sản xuất.
Chỉ 1 ngày sau khi Mỹ thử nghiệm vắc xin mRNA-1273, Trung Quốc đã công bố phê duyệt thử nghiệm lâm sàng cho vắc xin Ad5-nCoV. Thử nghiệm do các nhà nghiên cứu trong nước phát triển và nghiên cứu bắt đầu giai đoạn 1 vào ngày 17-3-2020.
Thử nghiệm giai đoạn 1: Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 mã số NCT04313127 được tiến hành tại bệnh viện Tongji của Vũ Hán, tuyển 108 tình nguyện viên.
Vắc xin Ad5-nCoV được chế tạo bằng công nghệ gen trong đó protein Spike của SARS-CoV-2 sẽ được biểu hiện thông qua véc tơ Ad5 (replication-defective adenovirus type 5). Theo Cơ quan đăng ký thử nghiệm lâm sàng Trung Quốc, thử nghiệm giai đoạn 1 này nhằm kiểm tra độ an toàn và dung nạp vắc xin Ad5-nCoV ở những liều lượng khác nhau trên những người khoẻ mạnh ở độ tuổi 18 – 60.
Bước đầu các nhà khoa học sẽ tìm hiểu xem có tác dụng phụ nào xảy ra trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tiếp theo, họ sẽ tiếp tục quan sát xác định xem có tác dụng phụ nào xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc xin. Sau đó, họ theo dõi có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra sau 6 tháng hay không. Ngoài ra, các nhà khoa học sẽ xác định một số loại kháng thể và đáp ứng miễn dịch của tế bào T để đánh giá hiệu quả của vắc xin.
Thử nghiệm giai đoạn 1: Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 mã số NCT04341389 nhằm đánh giá khả năng bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2 cũng như độ an toàn của vắc xin Ad5-nCoV đã chính thức khởi động ngày 10-4-2020. Đây là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, và có nhóm đối chứng dùng giả dược.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc xin Ad5-nCoV tuyển chọn 500 người tham gia:
- 250 người được tiêm vắc xin liều trung bình
- 125 người sẽ được tiêm vắc xin liều thấp
- 125 người còn lại sẽ được tiêm giả dược
Khả năng miễn dịch sẽ được kiểm tra vào các ngày 0, 14, 28 và 6 tháng sau khi tiêm chủng. Tính đến thời điểm này, vắc xin Ad5-nCoV do công ty Cansino Biologics sản xuất hiện là vắc xin phòng Covid-19 duy nhất trên thế giới đạt tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
3. Vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 thử nghiệm tại Anh
Vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 được thiết kế tại Trung tâm Nghiên cứu Oxford, chứa protein spike của virus SARS-CoV-2 trong 1 véc tơ (adenovirus vaccine vector).
Theo Oxford Biomedical Research Centre ngày 23-4-2020, vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 được chế tạo từ một virus có tên ChAdOx1. Virus này là một phiên bản của adenovirus đã bị giảm độc lực và được biến đổi gen nên không có khả năng nhân lên ở người.
Các nhà khoa học hy vọng sau khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 này, cơ thể chúng ta sẽ có thể nhận ra spike protein của virus SARS-CoV-2 và hình thành đáp ứng miễn dịch. Nếu cơ thể gặp phải coronavirus chủng mới thì đáp ứng miễn dịch nhớ này có thể giúp ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào và ngăn ngừa lây nhiễm.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1/2 mã số NCT04324606 giúp xác định vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 có khả năng bảo vệ người được tiêm chủng khỏi nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Đây là thử nghiệm có sự tham gia của khoảng 5.000 tình nguyện viên dự kiến sẽ khởi động vào tháng 5-2020 dành cho mọi lứa tuổi.
Tác dụng phụ: Các loại vắc xin được chế tạo từ virus ChAdOx1 đã được tiêm cho hơn 320 người. Các loại vắc xin này tương đối an toàn mặc dù có thể gây ra vài tác dụng phụ tạm thời như sốt, đau đầu và sưng chỗ tiêm.
Kế hoạch thử nghiệm: Thử nghiệm lâm sàng vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 sẽ tuyển chọn tổng cộng 1.102 người tham gia và được thực hiện tại 4 nơi: Oxford, Southampton, London và Bristol. Những người tham gia sẽ được nhận vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 hoặc vắc xin MenACWY (một loại vắc xin viêm màng não đã được cấp phép) để dùng làm đối chứng so sánh. Người tham gia sẽ không biết mình được tiêm loại vắc xin nào.
Ngày 23-4-2020, 2 tình nguyện viên đầu tiên đã tham gia thử nghiệm. Một người được tiêm mũi vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 đầu tiên và người còn lại tiêm vắc xin ngừa viêm màng não ACWY. Hai người này sẽ được theo dõi trong 48 giờ. Ngày 26-4-2020, 6 tình nguyện viên tiếp theo sẽ tham gia thử nghiệm và theo dõi trong 48 giờ. Ngày 28-4-2020, vắc xin sẽ được thử nghiệm trên số lượng người tham gia lớn hơn.
Hiện tại có hơn 165.000 trường hợp người nhiễm Covid-19 được xác nhận tại Anh. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao lên đến 15,8% cho thấy số lượng ca nhiễm trên thực tế tại Anh cao hơn con số 165.000 rất nhiều. Cách duy nhất giúp các nhà khoa học xác định hiệu quả bảo vệ của vắc xin là so sánh số người nhiễm SARS-CoV-2 ở hai nhóm trong nhiều tháng sau khi tiêm chủng. Tuỳ thuộc vào tỷ lệ nhiễm virus, Anh sẽ cần tới vài tháng, 6 tháng hoặc lâu hơn để đánh giá hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 này.
4. Vắc xin INO-4800 thử nghiệm tại Mỹ
Vắc xin INO-4800 là loại vắc xin dùng plasmid ADN do công ty dược Inovio sản xuất. Đây là công ty thứ hai tại Mỹ thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19. Thiết bị CELLECTRA® 2000 sẽ được sử dụng để đưa vắc xin này vào cơ thể.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 mã số NCT04336410 đã chính thức tuyển tình nguyện viên từ ngày 7-4-2020 để đánh giá độ an toàn và hiệu quả của vắc xin INO-4800.
Trao đổi với CNBC (23-4-2020), Inovio cho biết công ty dự định sẽ hoàn thành tuyển chọn tình nguyện viên vào cuối tháng 4. Mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần. Inovio kỳ vọng có những kết quả đầu tiên của thử nghiệm này vào cuối mùa hè.
5. Vắc xin PittCoVacc thử nghiệm tại Trung Quốc
Vắc xin PittCoVacc do công ty Sinovac nghiên cứu và sản xuất tại Trung Quốc. Điều đáng chú ý là vắc xin của Sinovac là vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới được chứng minh có hiệu quả trên khỉ.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của PittCoVacc mã số NCT04352608 đã bắt đầu từ ngày 20-4-2020 để đánh giá độ an toàn cũng như hiệu quả của vắc xin bất hoạt ngừa Covid-19. Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm là người khoẻ mạnh ở độ tuổi từ 18 – 59.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1/2 này thuộc nhóm thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đơn trung tâm, có giả dược đối chứng. Cả vắc xin và giả dược đều do công ty Sinovac sản xuất. Thử nghiệm sẽ tuyển chọn 744 tình nguyện viên, 144 tình nguyện viên ở giai đoạn 1 và 600 tình nguyện viên thuộc thử nghiệm giai đoạn 2. Những người tham gia sẽ nhận được 2 liều vắc xin thí nghiệm hoặc giả dược. Hai liều cách nhau 14 ngày hoặc 28 ngày.
Tạp chí Science (23-4-2020) đã đưa tin về nghiên cứu ở dạng tiền ấm phẩm (bioRxiv 19-4-2020) về hiệu quả của vắc xin PittCoVacc trên khỉ. Trong thử nghiệm này, những con khỉ vẹt đuôi dài (rhesus macaque) được chia làm 2 nhóm. Chúng được tiêm 2 liều lượng vắc xin PittCoVacc khác nhau là liều cao và liều thấp. Vắc xin sẽ được chích 3 liều, mỗi liều cách nhau 7 ngày vào các ngày 0, 7, 14. Sau đó, các nhà khoa học đã lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho khỉ qua khí quản để đánh giá hiệu quả của vắc xin.
Kết quả cho thấy những con khỉ ở nhóm đối chứng sẽ bị nhiễm virus nếu không được tiêm vắc xin. Định lượng virus trong hệ hô hấp cao và xuất hiện triệu chứng viêm phổi nặng. Trong khi đó, những con khỉ được tiêm vắc xin liều cao thì có lượng virus giảm nhanh và không phát hiện virus sau 1 tuần. Ở nhóm được tiêm vắc xin liều thấp hơn, lượng virus cũng còn rất ít.
Về độ an toàn, nghiên cứu cho thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra ở những con khỉ được tiêm vắc xin.
Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty sản xuất vắc xin và sinh phẩm số 1 đã hợp tác cùng Đại học Britain (Anh) để nghiên cứu vắc xin. Theo VTV1 (5-5-2020), Việt Nam đã thử nghiệm phòng Covid-19 trên chuột. Hiện nay có khoảng 70 – 80 nhà phát triển vắc xin trên thế giới cũng đang thử nghiệm trên chuột, trong đó có 8 công ty tiêm thử nghiệm song song trên người và động vật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quy trình sản xuất một loại vắc xin sẽ mất từ 18 – 24 tháng. Dự kiến đến cuối năm 2021, vắc xin phòng Covid-19 mới có mặt trên thị trường. Cả thế giới đang hy vọng sự ra đời của vắc xin phòng Covid-19 sẽ đánh dấu bước ngoặt trong công nghệ sản xuất vắc xin trong tương lai.