Nhiễm trùng đường hô hấp dưới

0
1156

 

Tìm hiểu về bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới là gì?

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là bất kỳ nhiễm trùng nào xảy ra trong phổi hoặc dưới thanh quản, bao gồm viêm phổi, viêm phế quản và bệnh lao.

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể ảnh hưởng đến đường thở (bệnh viêm phế quản) hoặc xuất hiện các phế nang ở cuối đường thở (viêm phổi).

Triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới là gì?

Ở mỗi người, các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới sẽ khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn có thể có các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường, bao gồm:

  • Bị nghẹt hoặc chảy nước mũi
  • Ho khan
  • Sốt thấp
  • Đau họng nhẹ
  • Đau đầu âm ỉ

Đối với nhiễm trùng nặng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Ho nặng có thể sản xuất đờm
  • Sốt
  • Khó thở
  • Da có màu xanh
  • Thở nhanh
  • Đau ngực
  • Thở khò khè

Nguyên nhân nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Nguyên nhân nào gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới?

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới chủ yếu là do:

  • Nhiễm virus (như virus cúm hoặc virus hợp bào hô hấp RSV)
  • Nhiễm vi khuẩn (như Streptococcus hoặc Staphylococcus aureus)
  • Nhiễm nấm
  • Nhiễm Mycoplasma. Mycoplasma không phải là virus hay vi khuẩn, mà là những sinh vật nhỏ có đặc điểm của virus và vi khuẩn.

Trong một số trường hợp, các chất ở môi trường xung quanh có thể kích thích và gây viêm đường thở hoặc phổi, gây nhiễm trùng. Các yếu tố này bao gồm:

  • Khói thuốc lá
  • Bụi
  • Hóa chất
  • Hơi nước và khói lửa
  • Các chất gây dị ứng
  • Ô nhiễm không khí

Một số yếu tố cũng khiến bạn tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường hô hấp dưới như:

  • Gần đây mắc bệnh cảm hay cúm
  • Có hệ miễn dịch yếu
  • Trên 65 tuổi
  • Dưới 5 tuổi
  • Gần đây có làm phẫu thuật

Chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới?

Để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bác sĩ sẽ cho bạn làm kiểm tra sức khỏe, thảo luận các triệu chứng và thời gian mắc bệnh.

Trong quá trình làm kiểm tra, bác sĩ sẽ dùng ống nghe để kiểm tra ngực hoặc hơi thở. Ngoài ra, bạn cũng cần làm một số xét nghiệm để giúp bác sĩ xác định vấn đề, chẳng hạn như:

  • Đo lượng oxy trong máu
  • Chụp X-quang ngực để kiểm tra bệnh viêm phổi
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra bạn có nhiễm virus hay vi khuẩn hay không
  • Lấy mẫu dịch nhầy để kiểm tra có vi khuẩn hay virus trong cơ thể không

Những phương pháp nào giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp dưới?

Một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Bạn có thể điều trị các tình trạng nhiễm virus không nghiêm trọng tại nhà bằng cách:

  • Dùng các thuốc không kê toa để trị ho hoặc sốt
  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Uống nhiều nước

Trong các trường hợp khác, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị bổ sung, như dùng kháng sinh cho người nhiễm vi khuẩn hoặc ống hít cho người bị khó thở.

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần đến bệnh viện để được truyền dịch, dùng kháng sinh hoặc điều trị vấn đề thở khó. Thời gian điều trị cho trẻ sơ sinh và trẻ rất nhỏ có thể lâu hơn trẻ lớn và người trưởng thành khỏe mạnh.

Các bác sĩ thường theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh đặc biệt nếu trẻ có nguy cơ cao hơn mắc nhiễm trùng nặng, như trẻ sinh non hoặc có khuyết tật tim bẩm sinh. Trong những trường hợp này, trẻ cần phải được nhập viện để bác sĩ có thể điều trị hiệu quả.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu nhập viện cho những người trên 65 tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu.

Thời gian phục hồi ở mỗi người sẽ khác nhau, tùy vào thể từng thể trạng. Theo các chuyên gia, người lớn khỏe mạnh có thể phục hồi bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới (như viêm phổi) trong khoảng 1 tuần. Đối với người lớn tuổi, thời gian phục hồi có thể mất vài tuần.

Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới có nguy hiểm không?

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu xảy ra biến chứng, nó sẽ rất nguy hiểm.

Các biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm:

  • Suy tim sung huyết
  • Ngừng hô hấp
  • Nhiễm trùng huyết
  • Áp xe phổi

Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp dưới?

Một số biện pháp giúp bạn phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp dưới như:

  • Thường xuyên rửa tay sạch
  • Tránh dùng tay dơ chạm vào mặt
  • Tránh xa những người đang mắc bệnh hô hấp
  • Tiêm vắc xin cho trẻ đúng định kỳ
  • Tiêm phòng cúm mỗi năm
  • Tránh các chất gây kích ứng, như hóa chất, khói lửa hoặc khói thuốc lá

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here