Virus corona chủng mới xuất hiện từ cuối tháng 12-2019 đến nay vẫn còn gây nhiều lo ngại, đặc biệt là đối với những người có vấn đề sức khỏe từ trước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người bị hen suyễn có nguy cơ mắc biến chứng coronavirus cao hơn, bên cạnh người mắc tiểu đường và bệnh lý tim mạch.
Cũng theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người mắc bệnh hen suyễn nếu nhiễm SARS-CoV-2 có thể có nguy cơ biến chứng nặng. Số người tử vong do coronavirus trên toàn cầu đã vượt qua con số 70.000. Hầu hết những trường hợp này đều có bệnh lý nền khiến hệ miễn dịch suy yếu sẵn, chẳng hạn như hen suyễn. Hen suyễn là một tình trạng bệnh phổi kinh niên chưa có biện pháp chữa trị mà chỉ có thể tiết chế.
Vì sao người bị hen suyễn có thể dễ gặp biến chứng coronavirus hơn?
Một trong những cơ quan mà coronavirus sẽ “ghé thăm” khi đã hiện diện trong cơ thể con người chính là phổi. Virus tấn công các phế nang phổi nơi chịu trách nhiệm cho phần lớn việc trao đổi khí. Hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh viêm nhiễm trong đó nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh trở nên trầm trọng.
Khi bị hen suyễn, bất cứ vật lạ xâm nhập vào phổi thường gây ra phản ứng hen suyễn và khiến đường thở bị thu hẹp hơn và làm người bệnh khó thở, thở khò khè. Các loại virus tấn công vào hệ hô hấp như SARS-CoV-2 có thể kích hoạt những triệu chứng hen suyễn và dễ dẫn đến cơn hen cấp. Đây là lý do người bệnh hen suyễn sẽ bị hen nặng hơn cũng như dễ phát triển biến chứng Covid-19 nếu nhiễm virus corona mới.
Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu về tầm ảnh hưởng chính xác của COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra đến người bị hen suyễn. Ngoài ra cũng chưa có dữ liệu chứng minh khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 của người hen suyễn cao hơn những người không mắc bệnh này.
Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây trên 140 người nhập viện vì triệu chứng coronavirus chủng mới tại Trung Quốc (được công bố trên tạp chí Allergy) cho thấy hen suyễn không phải là yếu tố nguy cơ khiến người bệnh dễ nhiễm virus.
Còn bác sĩ chuyên khoa phổi John Stewart (Bệnh viện St. Joseph ở Quận Cam, California, Hoa Kỳ) cho rằng người bị hen suyễn có thể dễ chịu tác động từ virus corona này hơn người khỏe mạnh là vì họ phải thường xuyên sử dụng steroid (dạng hít hoặc đường uống) – loại thuốc vốn có phần ảnh hưởng đến hệ miễn dịch để kiểm soát cơn hen.
Bạn có thể xem thêm: Ảnh hưởng của Covid-19 đối với người bị hen suyễn
Người bị hen suyễn nên làm gì để bảo vệ bản thân khỏi virus corona chủng mới và giảm nguy cơ mắc biến chứng coronavirus?
Vì virus SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi đối tượng nên các biện pháp phòng ngừa luôn cần được đặt lên hàng đầu. Đó là rửa tay bằng xà phòng và nước, sát khuẩn các bề mặt, thực hiện cách ly xã hội, tránh tụ tập đám đông.
CDC đã công bố hướng dẫn bổ sung cho những người mắc bệnh hen suyễn. Theo đó, người bị hen suyễn cần tiếp tục theo dõi bệnh này và dùng thuốc hen đúng liều lượng như bình thường.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên mang thuốc theo bên mình trong trường hợp khẩn cấp như thuốc xịt, hít hen suyễn như albuterol hay levalbuterol. Tuy vậy, người bệnh cũng nên chủ động dùng thuốc hen đều đặn ngay cả khi vẫn cảm thấy khỏe mạnh, nên ở nhà để tránh các tác nhân tiềm ẩn có thể gây nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, hãy làm sạch và khử trùng tất cả các bề mặt trong nhà nơi thường xuyên chạm tay vào, như bàn ghế, tay nắm cửa, tay cầm, công tắc đèn, nhà vệ sinh và bồn rửa mặt. Người bệnh cũng nên cẩn trọng với các sản phẩm tẩy rửa có thể kích thích cơn hen.
Cảm xúc mạnh mẽ cũng có thể là tác nhân gây ra hen suyễn, vì vậy cần làm dịu chứng lo âu và căng thẳng dù điều này không hề dễ dàng khi thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19. Để chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình, người bệnh nên chọn lọc các tin tức khi theo dõi nhằm chắc chắn đó là nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn như thông tin từ chính quyền địa phương và các trang truyền thông có uy tín. Thêm vào đó, hãy ngủ đủ giấc, bổ sung đầy đủ nước và chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục điều độ thường xuyên.