Hiện nay, phương pháp chính dùng để chẩn đoán COVID-19, vấn đề sức khỏe đang bùng nổ toàn cầu, là RT-PCR. Độ đặc hiệu cũng như độ nhạy của kỹ thuật này được đánh giá rất cao, góp phần tăng độ tin cậy của kết quả chẩn đoán.
Bệnh COVID-19, xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Người nhiễm bệnh có nguy cơ mất 20 – 30% chức năng phổi và phải đối mặt với hàng loạt biến chứng nghiêm trọng nếu bệnh kéo dài.
Do đó, để chữa trị kịp thời, phát hiện bệnh ngay từ đầu là điều cần thiết. Tuy nhiên, vì COVID-19 có nhiều dấu hiệu dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý thông thường khác như cảm lạnh, cảm cúm… nên việc chẩn đoán bệnh gặp không ít khó khăn.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp dùng trong chẩn đoán COVID-19 và khi nào một người cần làm xét nghiệm.
Khi nào bạn cần làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19?
Vì chi phí cho một lần xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 tương đối cao bởi nhiều nguyên do, chẳng hạn như tiền vận chuyển mẫu phân tích, tiền trang bị hóa chất, dụng cụ, thiết bị…, nên các chuyên gia cần phải giới hạn số lần thực hiện.
Do đó, chỉ những người đáp ứng một trong hai yếu tố dưới đây mới thật sự cần phải làm xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:
- Đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh
- Có biểu hiện nhiễm bệnh COVID-19 (sốt, ho, khó thở, đau nhức người, mệt mỏi…)
Thông thường, bạn sẽ cần đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có khả năng lây nhiễm rất cao. Đồng thời, hiện tại bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa.
Vì vậy, lúc này, thay vì đến trực tiếp đến trung tâm y tế gần nhất, bạn nên tự cách ly với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, hãy liên hệ qua số điện thoại 1900 9095 hoặc 1900 3228 để tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.