Đường (glucose) là nguồn năng lượng chính của cơ thể, đồng thời cũng là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng và cần thiết cho hệ thần kinh và tổ chức não bộ.
Trong máu luôn có một lượng đường nhất định, nếu lượng đường này tăng hay giảm xuống quá nhiều so với mức độ bình thường thì đây là một dấu hiệu không bình thường của cơ thể.
Có 2 hệ thống đơn vị đo lường chỉ số đường huyết là nmol/l và mg/dl, 1mmol/l – 18mg/dl. Chỉ số đường huyết an toàn theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) là:
– Trước bữa ăn: 90 – 130mg/dl (5.0 – 7.2mmol/l).
– Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/l)
– Trước lúc đi ngủ: 110 – 150mg/dl (6.0 – 8.3mmol/l).
Đường huyết tăng
Đường huyết tăng là hiện tượng có quá nhiều đường (glucose) trong máu, phản ánh sự dư thừa glucose tại các mô của cơ thể. Những người có đường huyết ngẫu nhiên (vào những thời điểm khác trong ngày) cao hơn 200mg/dl hoặc đường huyết lúc đói cao hơn 125 mg/dl có thể được coi là tăng đường huyết. Tình trạng này nếu nặng và kéo dài sẽ gây tổn thương cho các mạch máu và mô, dần dần dẫn đến quá tải và hư hỏng. Đó là lúc bạn bị đái tháo đường.
Ở những người bình thường, đường huyết cũng có thể tăng trên mức bình thường nhưng chưa đủ để kết luận là bệnh tiểu đường. Đây là giai đoạn trung gian giữa tình trạng bình thường và bệnh lý. Để biết có bị tiểu đường hay không còn làm nghiệm pháp tăng đường huyết hoặc xét nghiệm chỉ số HbA1c. Chỉ số này nhằm kiểm soát đường huyết ở người tiểu đường mà không phụ thuộc no hay đói, chỉ số này bình thường là 5.4 – 6,2%, nếu trên 7% là có tiểu đường. Cứ tăng 1% có nghĩa đường huyết của bạn tăng 30mg.
Đối với những người bị tiểu đường type 1 (phụ thuộc insulin) có thể sớm biết tình trạng này qua các dấu hiệu: khát nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, buồn ngủ…. Còn người bị tiểu đường type 2 (không phụ thuộc insulin) thì không nhận biết được trong một thời gian dài.
Đường huyết thấp
Nếu lượng đường trong máu nhỏ hơn 70mg/dl là đường huyết thấp, sẽ gây ra hiện tượng của hạ đường huyết, cần được cấp cứu kịp thời, tránh tình trạng đường huyết quá thấp có thể gây hôn mê, tổn thương não, thậm chí có thể tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do dùng quá liều insulin hay thuốc uống, hoặc tiêm insulin không đúng kỹ thuật.
Một số trường hợp hạ đường huyết xảy ra ở những người hay bỏ bữa hay phải ăn muộn, người phải làm việc mệt nhọc hay tập luyện thể lực quá nhiều, người đang bị đau ốm hoặc uống rượu lúc đói…
Ở các trường hợp hạ đường huyết bệnh nhân thường cảm thấy cồn cào, xót ruột, đau bụng, sợ thức ăn, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, tim đập nhanh, run tay, buồn nôn, nôn, ngáp, buồn ngủ, đánh trống ngực, vã mồ hôi và có cảm giác say rượu.
Rối loạn đường huyết
Rối loạn đường huyết là tình trạng đường trong máu tăng cao, nhưng chưa đến ngưỡng giá trị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, còn được gọi là tiền tiểu đường. Rối loạn đường huyết nếu không được chữa trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và đột quị.
Tổ chức Y tế thế giới WHO thống nhất, rối loạn đường huyết hay tiền tiểu đường được chẩn đoán khi:
– Đường huyết khi đói: 101 – 125mg/dl (5.6 – 6.9mmol/l)
– Đường huyết ngẫu nhiên: 140 – 200mg/dl (7.8 – 11.1mmol/l)
– HbA1c (đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong 2 – 3 tháng): 5.7 – 6.4%
Cứ 4 người bị rối loạn đường huyết, thì sẽ có từ 1 – 3 người tiến tiển thành bệnh tiểu đường type 2 trong vòng 10 năm. Nhưng nếu đưa đường huyết về giá trị ổn định sẽ có 70% nguy cơ không tiến triển thành bệnh tiểu đường.
Cách tốt nhất để kiểm soát đường huyết đó là việc theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên sau bữa ăn và trước bữa ăn. Việc theo dõi giúp bạn đánh giá được đường huyết của mình, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống cho phù hợp.