Triệu chứng khó thở tim đập nhanh (đánh trống ngực) có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển dần dần. Khi tim đập nhanh khó thở là lúc hệ hô hấp của bạn đang gặp vấn đề nhẹ hoặc nặng.
Khi cảm thấy mệt mỏi khó thở, điều quan trọng là bạn cần được nghỉ ngơi. Đồng thời, bạn cần lưu ý xem cơn đánh trống ngực đó là tình trạng đột ngột hay diễn ra thường xuyên. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn khó thở tim đập nhanh có thể là dấu hiệu của một loại bệnh tim mạch hoặc bệnh hô hấp nào đó.
Nguyên nhân gây khó thở tim đập nhanh
Tim đập nhanh khó thở do các bệnh về phổi
Những bệnh lý ở phổi có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi khó thở. Trong đó, có những bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Bệnh hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng viêm và hẹp đường thở. Người mắc bệnh hen suyễn thường xuyên bị mệt mỏi khó thở, ho nhiều. Cơn ho đi kèm cảm giác tức ngực.
Viêm phổi
Viêm phổi xảy ra khi phổi bị nhiễm trùng, tích tụ chất lỏng và dịch mủ phía trong. Bệnh có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm phổi bao gồm:
- Khó thở tim đập nhanh
- Ho
- Tức ngực
- Ớn lạnh
- Sốt, đổ mồ hôi
- Đau cơ
- Mệt mỏi cực độ
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh làm suy giảm chức năng phổi. Những triệu chứng thường gặp khi mắc COPD bao gồm:
- Ho liên tục
- Có nhiều đờm nhớt trong cổ họng
- Tức ngực, mệt mỏi khó thở
Bệnh thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là bệnh làm tắc nghẽn một hoặc nhiều động mạch dẫn đến phổi. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.
Người bị thuyên tắc phổi thường gặp những triệu chứng điển hình sau:
- Sưng phù chân
- Tức ngực
- Nhịp tim nhanh, chậm bất thường
- Chóng mặt
- Sắc mặt nhợt nhạt
Khó thở tim đập nhanh do các bệnh lý ở tim
Khi mắc các bệnh về tim, bạn sẽ thấy mình thường xuyên bị mệt mỏi khó thở hơn. Điều này là do tim đang “nỗ lực” bơm máu giàu oxy đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Những bênh về tim phổ biến khiến bạn bị đánh trống ngực khó thở bao gồm:
Bệnh động mạch vành
Động mạch vành là bệnh làm hẹp và cứng các động mạch dẫn máu đến tim. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến tim. Theo phản xạ tự nhiên, tim sẽ đập nhanh hơn để tăng khả năng nhận và bơm máu đến những nơi khác. Lâu dần, nó khiến cơ tim bị tổn thương vĩnh viễn.
Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh (hay còn gọi là dị tật tim bẩm sinh) là các vấn đề di truyền về cấu trúc và chức năng của tim. Triệu chứng bệnh thường là khó thở tim đập nhanh. Người bệnh cũng gặp rất nhiều khó khăn khi duy trì nhịp thở.
Tim đập nhanh khó thở do bị suy tim sung huyết
Suy tim sung huyết xảy ra khi cơ tim bị tổn thương, hoạt động yếu ớt. Lúc này, tim không làm tốt chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Đồng thời, bệnh làm chất lỏng tích tụ bên trong và xung quanh phổi.
Những tình trạng khác ở tim khiến một người có triệu chứng khó thở tim đập nhanh gồm rối loạn nhịp tim, hở van tim…
Khắc phục tình trạng khó thở tim đập nhanh
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng tim đập nhanh khó thở, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, một số cách khắc phục triệu chứng khó thở tim đập nhanh cơ bản có thể sẽ giúp ích cho người bệnh.
Thay đổi lối sống
Nếu triệu chứng khó thở tim đập nhanh chỉ xảy ra khi bạn tập thể dục quá sức hoặc đi đứng trên cao, bạn chỉ cần nghỉ ngơi và di chuyển đến nơi thấp hơn.
Những điều chỉnh trong thói quen và lối sống thường ngày cũng góp phần cải thiện tình trạng mệt mỏi khó thở. Bạn hãy đi ngủ sớm hơn, ăn uống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày là những cách làm cơ bản nhưng mang lại hiệu quả lớn cho sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe tổng thể.
Giảm căng thẳng
Nếu sự căng thẳng khiến bạn gặp các vấn đề về hô hấp, hãy tìm cách giảm thiểu việc tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng. Bạn cũng có thể xoa dịu stress bằng các hoạt động như ngồi thiền, nghe những bản nhạc tích cực, tham gia các hoạt động xã hội…
Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Nếu triệu chứng khó thở tim đập nhanh là biểu hiện của những bệnh lý ở tim và phổi, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần thêm những phương pháp điều trị khác như liệu pháp oxy, sử dụng máy thở hoặc các loại hình điều trị khác tại bệnh viện.