Mách bạn những biện pháp giúp ổn định tâm lý người bệnh tiểu đường

0
975

Hầu hết nhiều người khi hay tin bản thân mắc bệnh đái tháo đường type 2 đều rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi quá mức. Tuy nhiên, chính những suy nghĩ tiêu cực đó vô tình đã “tiếp sức” cho bệnh tật. Do vậy, người thân và gia đình cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tinh thần, cũng như giúp ổn định tâm lý người bệnh tiểu đường. 

Thực tế đã cho thấy sự lạc quan chính là “liều thuốc chữa bệnh” hiệu quả nhất. Người bệnh càng giữ tinh thần thoải mái bao nhiêu thì chất lượng cuộc sống, cũng như tình trạng sức khỏe sẽ càng được cải thiện tốt. Ngược lại, nếu tinh thần suy sụp, người bệnh càng dễ bị bệnh tật đánh gục.

Để “giải vây” người có bệnh tiểu đường khỏi áp lực bệnh tật, bạn có thể tham khảo những biện pháp mà Hello Bacsi gợi ý qua bài viết sau.

Gánh nặng tâm lý người bệnh đái tháo đường

Nghiên cứu tâm lý người bệnh tiểu đường, các chuyên gia cho biết, những bệnh nhân này thường rơi vào căng thẳng vì những vấn đề sau đây:

1. Cảm thấy khó khăn khi phải sống chung với bệnh đái tháo đường

Thực tế, đái tháo đường là tình trạng mà người bệnh cần phải tự quản lý sức khỏe hằng ngày. Chính điều này tạo ra áp lực lớn cho họ và là rào cản lớn đối với việc kiểm soát đường huyết hiệu quả. Theo đó, khi người bệnh cảm thấy hoang mang, lo lắng, cơ thể sẽ giải phóng hormone adrenaline và cortisol khiến cho nhịp thở tăng nhanh hơn.

Lúc này, máu sẽ đổ dồn về tứ chi và quá trình chuyển hóa glucose bị cản trở. Chính vì thế mà mức đường huyết tăng lên đáng kể, nhất là trong trường hợp đái tháo đường type 2. Ngoài ra còn có nhiều bằng chứng cho thấy, sự căng thẳng ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm insulin, huyết áp và giấc ngủ của người bệnh.

2. Bi quan về tương lai của bản thân

Bệnh đái tháo đường type 2 đang dần trở thành vấn đề sức khỏe tương đối phổ biến ở đối tượng trên 40. Ở lứa tuổi này, mọi người thường có sự kỳ vọng về sự ổn định trong công việc, cơ hội thăng tiến, cuộc sống an nhàn, khỏe mạnh. Chính vì vậy, việc chấp nhận sự thật là bản thân đang mắc bệnh sẽ trở nên thật khó khăn.

3. Lo lắng vì mọi người trong gia đình không thấu hiểu tình trạng sức khỏe của mình

Cho đến nay, tuy y học đã có nhiều bước tiến lớn nhưng vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị đái tháo đường triệt để. Theo đó, người bệnh cần phải sử dụng thuốc hằng ngày để giữ mức đường huyết ổn định. Điều này gây ra gánh nặng lớn về kinh tế gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh tiểu đường.

Mặt khác, nhiều người còn cảm thấy bản thân đang trở thành gánh nặng lớn của gia đình, họ sợ bị đối xử khác đi, sợ rằng những thay đổi trong sinh hoạt của mình có thể ảnh hưởng đến nhịp sống của mọi người xung quanh. Sự thay đổi xúc cảm của người bệnh đôi khi có thể gây ra những cuộc cãi vã, xung đột giữa các thành viên trong gia đình.

Một số người còn nghĩ bệnh đái tháo đường sẽ là “chướng ngại” cản trở họ thăng tiến trong công việc. Có người còn sợ máy bơm insulin tự động sẽ bị hỏng khi đi qua máy quét an ninh tại sân bay.

Những điều cần làm để ổn định tâm lý người bệnh tiểu đường

tâm lý người bệnh tiểu đường

Việc hiểu rõ tâm lý của người bệnh tiểu đường có thể giúp những người thân hỗ trợ người bệnh tốt hơn. Do đó, để giảm bớt căng thẳng hay những suy nghĩ tiêu cực, bản thân người bệnh và người nhà hãy thử tham khảo qua những lời khuyên sau đây:

1. Đối với người bệnh

➽ Tự chăm sóc bản thân nhưng không hướng đến sự toàn diện

Thực tế là rất khó để kiểm soát bệnh đái tháo đường một cách hoàn hảo nhất. Những ngày đầu tiên, bạn có thể bị choáng ngợp bởi nhiều hướng dẫn cần tuân thủ như: kiểm tra mức đường huyết thường xuyên, lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn, lượng thức ăn được phép tiêu thụ, ghi nhớ thời điểm uống thuốc hay lựa chọn đâu là những quyết định tốt nhất cho sức khỏe bản thân.

Thay vì hoang mang và cố gắng thích nghi với hàng tá những thay đổi này sớm, bạn có thể tập làm quen và thay đổi từng chút một. Dù tình trạng của bạn chỉ mới cải thiện đôi chút cũng đừng ngần ngại dành tặng bản thân những lời động viên.

➽ Trò chuyện, cởi mở hơn về vấn đề sức khỏe của bản thân

Tâm lý chung của người bệnh đái tháo đường là thường hay lo sợ việc nói ra bệnh trạng của mình sẽ khiến người thân trong gia đình cảm thấy phiền lòng. Bạn có biết rằng chỉ khi bạn nói ra, mọi người mới có thể hiểu và cùng bạn giải quyết vấn đề hay không?

Hơn nữa, điều này cũng sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, giống như được trút gánh nặng trong lòng. Nếu gặp khó khăn, bạn nên tìm đến người mà mình thấy gần gũi nhất. Tốt nhất hãy thẳng thắn với những vấn đề mình đang gặp phải và đề cập đến những việc cụ thể mà mọi người có thể làm để giúp bạn thoải mái hơn.

➽ Đừng ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những người thân xung quanh có thể hỗ trợ bạn theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, họ có thể nhắc bạn dùng thuốc đúng giờ, giúp bạn đo lượng đường trong máu, hỗ trợ bạn trong quá trình vận động thể chất hay thậm chí chuẩn bị cho bạn những bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng phù hợp với yêu cầu của bác sĩ.

Nếu may mắn trong gia đình có người thân hoặc bạn bè làm việc trong lĩnh vực y tế, họ sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn những hướng dẫn dành cho bệnh nhân đái tháo đường hoặc gợi ý cho bạn những điều cần trao đổi với bác sĩ trong những buổi kiểm tra sức khỏe.

➽ Hãy thảo luận thêm với bác sĩ hoặc những chuyên gia có liên quan

Đừng ngại chia sẻ với bác sĩ điều trị về những khó khăn mình đang gặp phải. Họ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn có thể cải thiện vấn đề. Trường hợp không đủ khả năng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn với các chuyên gia tâm lý.

Nếu đang lo lắng về chi phí khám chữa bệnh, bạn cũng có thể hỏi thăm thông tin từ bác sĩ hoặc những nhân viên y tế trong bệnh viện về những chương trình hỗ trợ của các tổ chức hay chính phủ dành cho người bệnh đái tháo đường.

 Trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ

Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để giúp ổn định tâm lý người bệnh đái tháo đường. Bởi lẽ, những người có cùng vấn đề sức khỏe với bạn có thể có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc quản lý bệnh. Hơn nữa, họ có thể giúp bạn không còn cảm giác bị cô lập trong chính tình trạng của mình.

➽ Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý

Khi tâm lý rơi vào thế hoang mang, lo lắng, người bệnh đái tháo đường thường dễ sa vào tình trạng ăn uống vô tội vạ. Điều này hoàn toàn bất lợi cho sức khỏe. Chìa khóa tốt nhất để lấy lại tinh thần là phải nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nhất có thể.

Bạn nên nhớ rằng việc mắc bệnh đái tháo đường không làm cho chúng ta tàn phế, bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc, sáng tạo và cống hiến. Do đó, bạn đừng nên bỏ lỡ bất kỳ điều gì mà hãy sống trọn từng phút giây.

➽ Tránh xa “bác sĩ Google”

Không thể phủ nhận Internet là một “kho” thông tin y khoa bổ ích. Thế nhưng, điều này không có nghĩa mọi thứ trên mạng đều đúng với tình trạng sức khỏe của bạn.

Cùng mắc bệnh đái tháo đường nhưng bạn có thể gặp triệu chứng A mà không có biểu hiện B như người khác. Chính vì thế, nếu bạn cảm thấy lo về một vấn đề nào đó, hãy dành thời gian để trò chuyện với bác sĩ điều trị.

2. Đối với người thân

tập thể dục tốt cho người tiểu đường

➽ Hỗ trợ người bệnh trong vấn đề dùng thuốc, kiểm tra đường huyết 

Nếu người thân của bạn cao tuổi và hay quên, bạn hãy hỗ trợ họ trong việc dùng thuốc để đảm bảo người bệnh dùng đúng liều lượng và đúng giờ. Điều này giúp họ quản lý chỉ số đường huyết nằm trong mức ổn định.

Bên cạnh đó, bạn có thể hướng dẫn người thân cách sử dụng máy đo đường huyết để tự kiểm tra đường huyết hoặc giúp họ làm việc này và lập thành biểu đồ cho người thân dễ theo dõi.

➽ Hoạt động thể chất 

Việc hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ giúp giảm đường huyết, huyết áp cùng cholesterol mà còn cải thiện sự linh hoạt cho các khớp xương, giúp tim, xương khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Hoạt động thể chất cũng có thể giúp giảm stress, giúp cải thiện tâm lý cho người bệnh tiểu đường hiệu quả. Do đó, bạn đừng ngần ngại hỗ trợ người thân trong vấn đề này. Nếu có thời gian, bạn nên vận động cùng họ. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe mà giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết hơn.

➽ Hỗ trợ người bệnh trong vấn đề dinh dưỡng 

Để đạt được các mục tiêu trong việc kiểm soát chỉ số đường huyết, các biến chứng của bệnh, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Do đó, bạn nên hỗ trợ người bệnh trong việc lựa chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe, căn chỉnh lượng thức ăn và thời gian ăn trong ngày.

➽ Thông cảm với tình trạng của người bệnh 

Bệnh tiểu đường là bệnh tiến triển theo thời gian, do đó người bệnh thường gặp những tác động tiêu cực về tâm lý. Do đó, người thân trong gia đình nên quan tâm đến người bệnh, thường xuyên trò chuyện, giúp đỡ người bệnh khi họ cần. Những hoạt động này không chỉ có tác dụng giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng của người bệnh mà còn có thể hỗ trợ một phần cho quá trình điều trị.

Hello Bacsi hiểu rằng việc quản lý bệnh đái tháo đường đôi khi có thể khiến bạn thấy mệt mỏi, áp lực. Để giải tỏa nỗi lo này, bạn có thể thử những biện pháp ổn định tâm lý người bệnh tiểu đường mà chúng tôi đã gợi ý. Đừng để sự lo lắng thái quá “gặm nhấm” dần sức khỏe của bạn nhé!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here