Ngứa khóe mắt do đâu? Cách làm dịu cơn ngứa hiệu quả

0
1434

Bạn có thể bị ngứa mắt ở nhiều vị trí khác nhau. Trong đó, khóe mắt là một trong những nơi hay bị ngứa nhất. Hầu hết các trường hợp ngứa khóe mắt đều không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến thị lực hoặc sức khỏe của mắt trong thời gian dài. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây ngứa có thể khiến tình trạng này kéo dài và tái phát thường xuyên.

Bạn có thể cảm thấy ngứa ở khóe mắt trong (gần ống dẫn nước mắt) hoặc khóe mắt ngoài.

9 nguyên nhân gây ngứa khóe mắt

Ngứa ở khóe mắt có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:

1. Khô mắt

Các tuyến lệ giữ nhiệm vụ sản xuất nước mắt, giúp cho đôi mắt của bạn luôn ẩm ướt và khỏe mạnh. Khi không có đủ lượng nước mắt cần thiết, khóe mắt của bạn có thể bị khô và ngứa. Bên cạnh đó, tình trạng này còn đi kèm với các triệu chứng khác như đỏ mắt, đau mắt và mắt nhạy cảm với ánh sáng.

Ngứa khóe mắt

Khô mắt là vấn đề xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi do hoạt động của tuyến lệ bị suy yếu. Ngoài ra, bệnh còn có thể được kích hoạt bởi các yếu tố như:

  • Sử dụng kính áp tròng không đúng cách
  • Ở ngoài thời tiết lạnh và gió trong thời gian dài
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc tránh thai và thuốc lợi tiểu
  • Khô mắt do bệnh lý như tiểu đường, hội chứng sjogren, bệnh tuyến giáp và lupus

2. Ngứa khóe mắt do dị ứng

Dị ứng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ngứa khóe mắt. Không chỉ ảnh hưởng đến khóe mắt, các triệu chứng của dị ứng còn làm cho toàn bộ mắt bị đau rát, đỏ, ngứa và chảy nhiều nước mắt.

Các chất gây dị ứng có thể đến từ các nguồn ngoài trời như phấn hoa, cây cỏ hoặc nguồn trong nhà như mạt bụi, nấm mốc hoặc vẩy da thú cưng. Ngoài ra, các chất kích thích trong không khí như khói thuốc lá và khí thải động cơ diesel cũng có thể khiến bạn bị ngứa khóe mắt.

3. Rối loạn chức năng tuyến Meibomian

Màng nước mắt của con người có cấu tạo 3 lớp gồm lớp nhầy, lớp nước và lớp dầu. Rối loạn chức năng tuyến Meibomian (MGD) xảy ra khi tuyến sản xuất lớp dầu của nước mắt không hoạt động bình thường. Khi thiếu đi lượng dầu cần thiết, khóe mắt của bạn sẽ bị khô, ngứa, sưng và đau. Bạn cũng có thể bị chảy nhiều nước mắt, khiến mắt bị mờ và khó chịu.

4. Viêm bờ mi

Viêm bờ mi là tình trạng viêm của mí mắt. Nguyên nhân khiến phần bên ngoài của mí mắt bị viêm thường là do nhiễm trùng tụ cầu khuẩn hoặc các loại vi khuẩn khác. Trong khi đó, viêm mí mắt bên trong thường là do các vấn đề với tuyến meibomian hoặc bệnh lý về da gây ra. Viêm bờ mi gây sưng mí mắt, đau nhức, đỏ và ngứa toàn bộ mắt.

Ngứa khóe mắt do viêm bờ mi

5. Ngứa khóe mắt do viêm túi lệ

Viêm túi lệ là tình trạng túi lệ, ống lệ ở khóe mắt gần mũi bị nhiễm trùng. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm túi lệ là do tắc nghẽn lệ đạo. Ngoài ra, chấn thương mũi hoặc polyp mũi cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Viêm túi lệ có thể khiến khóe mắt bị ngứa và đau. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị chảy nước từ khóe mắt và sốt nhẹ.

6. Viêm kết mạc

Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm màng bao phủ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt. Nguyên nhân gây viêm kết mạc có thể là do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng gây ra. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Đỏ mắt
  • Ngứa mắt
  • Chảy nước mắt
  • Cảm giác lộm cộm, khó chịu ở mắt
  • Sưng húp mắt

7. Xuất huyết dưới kết mạc

Xuất huyết dưới kết mạc xảy ra khi một trong các mạch máu nhỏ trong mắt bị vỡ. Nguyên nhân gây xuất huyết phần lớn là do tự phát. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị vỡ mạch máu mắt do chấn thương, phẫu thuật, viêm kết mạc hoặc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, rối loạn quá trình đông máu hoặc thiếu chất dinh dưỡng.

Triệu chứng điển hình nhất là xuất hiện một đốm đỏ ở tròng trắng của mắt. Ngoài ra, tình trạng này còn khiến mắt bạn bị ngứa và có cảm giác xốn mắt rất khó chịu.

8. Vật thể lạ rơi vào mắt

Bạn có thể bị ngứa mắt do bụi, cát hoặc lông mi bị kẹt ở mí mắt hoặc khóe mắt. Vật thể này có thể làm tắc ống dẫn nước mắt tạm thời, gây khô và ngứa mắt.

Vật thể lạ rơi vào mắt

9. Ngứa khóe mắt do sử dụng kính áp tròng

Kính áp tròng có thể giúp bạn cải thiện thị lực mà không cần phải đeo kính mắt. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, nó cũng có thể gây ra nhiều vấn đề về mắt. Đeo kính áp tròng quá lâu hoặc không giữ vệ sinh cẩn thận có thể khiến bạn bị khô mắt và nhiễm trùng do vi khuẩn. Tròng kính đôi khi cũng cản trở việc sản xuất nước mắt, làm bạn cảm thấy khó chịu và ngứa ở khóe mắt.

Các biện pháp khắc phục ngứa khóe mắt tại nhà

Để giảm ngứa ở khóe mắt, bạn có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục đơn giản sau:

Nước mắt nhân tạo

Dùng nước mắt nhân tạo (được điều chế dưới dạng thuốc nhỏ mắt không kê đơn) sẽ giúp bạn giảm khô và ngứa mắt rất hiệu quả.

Chườm lạnh hoặc chườm nóng

Chườm một chiếc khăn mát lên mắt có thể giúp làm dịu tình trạng ngứa ở khóe mắt. Trong khi đó, chườm một miếng gạc ấm lên mắt là một phương pháp điều trị hiệu quả cho rối loạn chức năng tuyến Meibomian và viêm bờ mi.

Ngoài ra, bạn có thể ngâm 2 túi trà lọc trong nước ấm hoặc nước mát, sau đó vắt hết chất lỏng ra và đặt lên mắt bị ngứa trong tối đa 30 phút.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Phần lớn trường hợp ngứa khóe mắt đều nhanh chóng biến mất bằng các biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu ngứa mắt đi kèm với tiết dịch hoặc sưng mắt, bạn cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra. Nếu ngứa mắt là do nhiễm trùng vi khuẩn, bạn sẽ cần kê đơn thuốc kháng sinh để giải quyết nó.

Ngứa khóe mắt tuy không quá nghiêm trọng nhưng nếu các cơn ngứa lặp đi lặp lại hoặc đi kèm đỏ và sưng mắt, bạn cần đi khám tại bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Các tình trạng viêm, nhiễm trùng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị đúng cách.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here