Bạn nghe nhiều người nói về việc nhịn ăn hoặc cắt giảm lượng thức ăn để có thể trở nên khỏe hơn, giúp quản lý một số bệnh hay giảm cân hiệu quả. Với người bị bệnh tiểu đường, việc nhịn ăn để chữa bệnh có mang lại hiệu quả và cần phải lưu ý những gì khi thực hiện phương pháp này?
Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng nhịn ăn có thể mang lại một số lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người bệnh đái tháo đường không nên xem việc nhịn ăn như một phương pháp điều trị chính thống.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo người bệnh không nên xem việc nhịn ăn như một phần trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Do đó, nếu muốn giảm cân và kiểm soát bệnh tốt, bạn nên thay đổi lối sống, hoạt động thể chất nhiều hơn.
Nếu bị bệnh tiểu đường và đang có ý định nhịn ăn, bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây của Bacsytructuyen để biết những rủi ro có thể gặp phải, làm thế nào để tránh.
Tìm hiểu về nhịn ăn gián đoạn
Vì lý do tôn giáo mà một số người sẽ nhịn ăn trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Lưu ý là nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn không được nhịn ăn liên tục quá 24 giờ vì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Nhịn ăn có nghĩa là bạn không ăn bất kỳ thực phẩm nào trong khoảng thời gian nhất định. Bạn có thể thực hiện kế hoạch nhịn ăn bằng cách không ăn bất cứ món gì trong một thời gian nhất định sau đó ăn uống bình thường và lặp lại điều này theo chu kỳ một cách có kế hoạch cụ thể. Bạn có thể thực hiện mô hình nhịn ăn dán đoạn theo 2 hình thức sau:
- Nhịn ăn cách ngày: Bạn ăn chế độ ăn kiêng đều đặn trong một ngày và ăn ít hơn 600 calo vào ngày hôm sau, lặp lại mô hình này trong suốt cả tuần. Nhiều người thực hiện hình thức nhịn ăn theo mô hình 5 : 2 nghĩa là 5 ngày ăn uống lành mạnh, 2 ngày còn lại trong tuần cắt giảm khẩu phần ăn xuống còn khoảng 500 đến 800 calo.
- Nhịn ăn theo hình thức chỉ ăn vào một khung giờ nhất định: Nếu thực hiện mô hình nhịn ăn này có nghĩa là bạn chỉ ăn vào một số khung giờ cụ thể trong ngày. Chẳng hạn, bạn có thể ăn trong khung giờ từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều và chỉ ăn lại vào 10 giờ sáng hôm sau.
Những lợi ích từ việc nhịn ăn để chữa bệnh
Phần lớn lợi ích từ việc nhịn ăn đã được nghiên cứu trên động vật. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tác dụng ở người, kể cả với người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy những kết quả ban đầu thu được rất hứa hẹn nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể chỉ ra những lợi ích từ phương pháp này.
Việc nhịn ăn có thể mang lại một số lợi ích như: giảm viêm, giảm cân và giảm cholesteron, cải thiện cách cơ thể quản lý glucose (lượng đường trong máu) và cắt giảm tình trạng kháng insulin
Một nghiên cứu nhỏ tiến hành trên 3 người đàn ông bị tiểu đường type 2 trong 10–25 năm dưới sự giám sát của nhân viên y tế, họ đã nhịn ăn mỗi ngày hoặc 3 ngày/tuần, kết quả cho thấy:
- Trong vòng 1 tháng: Cả 3 người đã có thể ngừng dùng insulin.
- Trong vòng chưa đầy 1 năm: Họ đã có thể cắt giảm hoặc ngừng sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác.
Trong một nghiên cứu nhỏ khác, 10 người đàn ông béo phì mắc bệnh tiểu đường type 2 nhịn ăn theo hình thức chỉ ăn vào một khung giờ nhất định. Kết quả họ đã cải thiện chỉ số đường huyết lúc đói và giảm cân sau 6 tuần.
Thực tế, chúng ta cần các nghiên cứu có quy mô lớn hơn để đánh giá chính xác tác động của việc nhịn ăn để chữa bệnh và mô hình nhịn ăn nào là tốt nhất và tần suất thực hiện.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), nếu bạn thừa cân hay béo phì, việc giảm cân có thể giúp giảm mức HbA1c (xét nghiệm kiểm soát đường huyết trong 2–3 tháng) và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Việc nhịn ăn cũng có thể tác động đến lượng insulin mà bạn cần. Trong một nghiên cứu, những người bị tiểu đường type 2 thực hiện kế hoạch nhịn ăn có thể giúp giảm liều insulin.
Một số cơ quan trong cơ thể có vai trò với bệnh tiểu đường cũng có thể được hưởng lợi từ việc nhịn ăn. Cơ thể bạn dự trữ thêm glucose dưới dạng glycogen ở trong gan và cần đến khoảng 12 giờ để sử dụng số glycogen đó. Nếu bạn không ăn, để có năng lượng hoạt động, cơ thể bạn sẽ đốt cháy chất béo thay vì glycogen ở gan, từ đó giúp giảm cân. Điều này cũng tốt cho gan và tuyến tụy.
Những rủi ro có thể gặp phải khi áp dụng phương pháp nhịn ăn chữa bệnh
Trong thời gian đầu nhịn ăn, ngoài cảm giác bị cơn đói hành hạ, bạn còn có thể cảm thấy buồn ngủ, cáu kỉnh, thậm chí là đau đầu. Việc nhịn ăn liên tục trong hơn 1 ngày hoặc lâu hơn có thể khiến cơ thể bạn không nhận đủ dưỡng chất thiết yếu nếu không dùng viên uống bổ sung.
Nguy cơ lớn nhất với người bệnh tiểu đường khi nhịn ăn là lượng đường trong máu có thể xuống thấp đến mức nguy hiểm hay còn gọi là hạ đường huyết. Điều này sẽ đúng trong trường hợp bạn dùng thuốc như insulin để kiểm soát bệnh đái tháo đường. Nếu bạn nhịn ăn, đường trong máu của bạn có thể xuống thấp hơn và thuốc có thể giảm nhiều hơn, từ đó có thể làm hạ đường huyết. Tình trạng hạ đường huyết có thể khiến bạn cảm thấy run rẩy, bất tỉnh hoặc thậm chí hôn mê.
Việc phá vỡ kế hoạch nhịn ăn cũng có thể làm cho lượng đường trong máu tăng quá cao hay còn gọi là tăng đường huyết. Điều này xảy ra khi bạn ăn quá nhiều carbohydrate. Nếu việc nhịn ăn khiến bạn có xu hướng ăn quá nhiều thực phẩm giàu carbohydrate thì đây có thể không phải là kế hoạch phù hợp.
Những lưu ý trong việc thử áp dụng phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh
1. Tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị
Với người bị tiểu đường type 1 hay đang gặp các vấn đề sức khỏe khác do bệnh tiểu đường gây ra (như tổn thương mắt, thận hoặc thần kinh ở tay và chân) hoặc từng bị hạ đường huyết, bác sĩ thường sẽ khuyên không nên nhịn ăn.
Trường hợp bác sĩ đồng ý cho bạn thử áp dụng phương pháp này, hãy hỏi bác sĩ về việc có nên kiểm tra đường huyết thường xuyên và liều lượng sử dụng thuốc trị bệnh tiểu đường trong và sau khi nhịn ăn hay không.
Người có bệnh tiểu đường đang thực hiện việc nhịn ăn chỉ nên tiêu thụ các thực phẩm chỉ số đường huyết thường xuyên trước khoảng thời gian bắt đầu nhịn ăn. Việc sử dụng những thực phẩm này giúp bạn no lâu hơn và giữ mức đường huyết ổn định hơn trong thời gian nhịn ăn. Lưu ý là chế độ ăn cũng nên bao gồm trái cây, rau xanh…
2. Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu thấp
Nếu trong khi nhịn ăn, bạn cảm thấy run rẩy, đổ mồ hôi hoặc bối rối… đây có thể là các dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu xuống quá thấp. Hãy dừng ngay việc nhịn ăn và thực hiện những gì bạn thường làm để khắc phục tình trạng hạ đường huyết, chẳng hạn như dùng gel glucose hoặc dùng đồ uống có đường, sau đó dùng một bữa ăn nhỏ để lượng đường trở lại mức cân bằng.
3. Chú ý đến những gì bạn tiêu thụ sau thời gian nhịn ăn
Việc ăn quá nhiều carbohydrate sau thời gian nhịn ăn có thể khiến lượng đường trong máu của bạn trở nên quá cao. Do đó, hãy ưu tiên bữa ăn lành mạnh, cân bằng và có đồ ăn nhẹ.
4. Thận trọng khi hoạt động nặng
Khi đang thực hành phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh, bạn không nên hoạt động thể chất với cường độ cao hoặc làm việc nặng. Việc tập thể dục với cường độ cao có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn giảm xuống, làm gia tăng nguy cơ hạ đường huyết. Tham khảo ý kiến bác sĩ về những hình thức luyện tập mà bạn có thể tập hoặc những hướng dẫn về việc nghỉ ngơi trong thời gian thực hiện phương pháp nhịn ăn.
5. Đừng quên uống nhiều nước
Việc mắc bệnh tiểu đường khiến bạn có nguy cơ bị mất nước, từ đó làm cho lượng đường trong máu khó kiểm soát hơn. Do đó, trong thời gian thực hành phương pháp nhịn ăn, bạn hãy uống nhiều nước và các loại thức uống không chứa calo.