Sống vì mọi người quá nhiều: nguyên nhân, sự ảnh hưởng và cách hạn chế

0
2054

Nhiều người nghĩ rằng, sống vì mọi người là một việc làm hết sức tốt đẹp, là biểu hiện cho tinh thần biết sẻ chia giữa con người với con người. Thế nhưng, một số người lại sống vì mọi người quá nhiều, họ dường như làm theo mọi mong muốn và nhu cầu của người khác mà quên đi suy nghĩ của chính mình.

Mời bạn hãy cùng Bacsytructuyen tìm hiểu nguyên nhân hình thành nên cách sống vì mọi người quá nhiều, sự ảnh hưởng của nó tới bạn và những điều bạn cần làm để hạn chế cách sống này nhé!

Sống vì người khác quá nhiều: Cách sống này hình thành từ đâu?
Theo nhà trị liệu tâm lý Erika Myers tại Bend, Oregon, Hoa Kỳ, việc sống vì mọi người quá nhiều thường vượt qua sự tử tế thông thường. Những người sống theo cách này thường có xu hướng thay đổi lời nói hoặc hành vi của mình vì cảm nhận và lợi ích của người khác. Cũng theo Myers, có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta muốn làm vui lòng người khác. Tuy nhiên, đa số các nguyên nhân này thường không phải đến từ một yếu tố riêng lẻ mà được tích lũy từ nhiều yếu tố nhỏ khác nhau.

1. Chấn thương tâm lý trong quá khứ
Theo Myers, cách sống để làm hài lòng người khác có thể được hình thành từ nỗi sợ đối với những chấn thương tâm lý trong quá khứ.

Nếu từng trải qua một chấn thương tâm lý nào đó, như việc bị lạm dụng hoặc bạo hành, bạn có thể cảm thấy không an toàn khi giữ cách sống của mình trước đây. Vì thế, bạn bắt đầu làm theo những điều người khác mong muốn và quan tâm đến nhu cầu của họ trước tiên. Qua đó, bạn làm cho người khác hài lòng và giúp bản thân cảm thấy an toàn hơn nhưng điều này lại vô tình khiến bạn đánh mất đi chính kiến của mình.

2. Cảm giác tự ti về chính mình

Đôi khi, những cảm giác và kinh nghiệm trong quá khứ khiến bạn trở nên mặc cảm về bản thân. Bạn tự cho rằng mình chưa đủ tốt và cảm thấy chỉ có làm theo ý kiến của người khác mới có thể được họ công nhận và đánh giá cao.

3. Nỗi sợ bị từ chối
Mối quan hệ với những người xung quanh có thể ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống của bạn, đặc biệt là khi còn bé. Nhiều bố mẹ thường dựa vào thái độ của con để quyết định xem nên đồng ý hoặc từ chối một yêu cầu của trẻ. Trẻ dần nhận ra rằng chỉ khi bản thân ngoan và nghe lời, bố mẹ mới vui vẻ và đáp ứng những mong muốn của chúng. Chính vì thế, chúng luôn làm theo những điều người khác mong muốn, ngay cả trước khi được yêu cầu. Điều này có thể khiến trẻ bớt ngỗ nghịch và nghe lời hơn, nhưng đôi khi cũng khiến trẻ lệ thuộc vào người khác và dần đánh mất đi chính mình.

Ngoài ra, nếu thật sự yêu mến một ai đó, bạn thường sợ bị họ từ chối hoặc ghét bỏ. Chính vì vậy, bạn có xu hướng đáp ứng mọi mong muốn của người khác để làm cho họ hài lòng và vui vẻ.

Cách sống vì người khác quá nhiều ảnh hưởng thế nào đến bạn?
Theo nhà trị liệu tâm lý Myers, việc muốn làm hài lòng người khác không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực: “Trong việc xây dựng các mối quan hệ, chúng ta cần quan tâm đến mong muốn, nhu cầu cũng như tâm lý của người khác”. Điều đó đến từ việc bạn quan tâm và trân trọng các mối quan hệ này.

Việc cố gắng làm hài lòng người khác đôi khi lại đồng nghĩa với việc đánh mất đi mong muốn và cảm xúc của chính bạn. Nói cách khác, bạn chỉ đang giả vờ làm gì đó để mọi người cảm thấy vui vẻ. Việc gượng ép làm theo những điều mình không thích chỉ để làm vui lòng người khác về lâu dài sẽ có thể làm tổn thương bạn và gây ảnh hưởng đến chính các mối quan hệ bạn đang có.

1. Sống vì mọi người quá nhiều khiến bạn cảm thấy thất vọng và buồn bực

Nếu đã dành tất cả thời gian và tâm sức của mình vì người khác, bạn chắc hẳn sẽ mong họ nhận ra điều đó. Một số người bên cạnh có thể nhận thấy được những nỗ lực và tấm lòng mà bạn đã trao đi, từ đó thêm trân trọng bạn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người không đủ nhạy cảm và tinh tế để nhận ra được những gì mà bạn dành cho họ.

Theo thời gian, việc lặng lẽ giúp đỡ và làm theo ý của người khác có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng, mệt mỏi và buồn bực. Điều này đôi khi cũng là nguyên nhân làm bạn dễ trở nên cáu gắt và khó chịu với những người thật sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

2. Bạn có thể bị lợi dụng
Nhiều người có thể sớm nhận ra rằng bạn có xu hướng muốn làm hài lòng người khác và lợi dụng điều đó để phục vụ nhu cầu của họ. Họ đôi khi không định nghĩa được những hành động của mình. Tuy nhiên, họ chắc chắn nhận thức được rằng bạn sẽ đồng ý tất cả những điều họ yêu cầu và tiếp tục đòi hỏi điều đó từ bạn. Tất nhiên, bạn vẫn sẽ luôn đồng ý, vì bạn muốn làm họ vui vẻ. Thế nhưng điều này mang lại nhiều hệ lụy vô cùng nặng nề, bạn có thể phải đối mặt với các vấn đề về thể chất, tinh thần cũng như đời sống.

3. Các mối quan hệ không làm bạn thỏa mãn
Những mối quan hệ lành mạnh và bền vững cần đến từ hai phía, phải có cho đi và nhận lại. Bạn đối xử tốt với những người xung quanh và họ làm điều tương tự với bạn. Mối quan hệ của bạn sẽ không còn tốt nữa nếu người khác yêu mến bạn chỉ vì bạn làm nhiều điều tốt cho họ.

Tình cảm không phải là một loại hàng hóa, bạn không thể dùng những việc làm hoặc lợi ích để đánh đổi. Khi sống vì mọi người quá nhiều, bạn tồn tại trong một mối quan hệ với lớp vỏ bọc mà bạn nghĩ người khác sẽ thích, thay vì là chính mình. Dần dần, bạn cảm thấy mình như vô hình trong các mối quan hệ này, từ đó khó có thể duy trì chúng lâu dài.

4. Căng thẳng và kiệt sức
Một ảnh hưởng nghiêm trọng của việc sống vì mọi người quá nhiều chính là gây căng thẳng cho chính bạn. Điều này thường xảy ra khi bạn cố gắng gượng ép bản thân phải làm những việc mình không thích hoặc quá sức chỉ để làm vui lòng người khác.

Ngoài ra, bạn cũng thường không có nhiều thời gian để dành cho bản thân hoặc để làm các việc quan trọng khác của mình. Thay vào đó, bạn phải làm thêm giờ hoặc thức khuya, đôi khi còn phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng về thể chất khác như lo lắng hoặc căng thẳng quá mức.

5. Người xung quanh có thể thất vọng vì bạn
Những người xung quanh có thể nhận ra cách bạn luôn đồng ý với mọi người hoặc thắc mắc tại sao bạn luôn xin lỗi vì những việc bạn không hề làm sai. Bạn rất dễ hình thành thói quen dành nhiều thời gian và công sức để giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, hành động này đôi khi có thể phản tác dụng nếu bạn làm nhiều việc cho người khác đến mức lấy đi cơ hội tự trải nghiệm những điều mới mẻ của họ.

Thêm vào đó, để làm hài lòng người khác, bạn thường chọn cách đồng ý theo mọi ý kiến của họ, thay vì phản bác hoặc góp ý. Từ đây, họ đôi khi sẽ cảm thấy thất vọng vì bạn nói dối hoặc che giấu sự thật chỉ để chiếm được tình cảm của họ.

Làm cách nào để không sống vì mọi người quá nhiều
Nếu muốn dừng cách sống này lại thì việc trước tiên bạn cần làm chính là nhận ra được những biểu hiện của chúng trong cuộc sống hằng ngày. Việc hiểu được những điều này có thể giúp bạn điều chỉnh bản thân và có cách sống phù hợp hơn.

1. Thể hiện lòng tốt khi bạn thật sự muốn thế
Việc đối xử tốt với những người xung quanh là một việc rất tốt. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc hy sinh bản thân để nhận được sự chấp thuận hoặc yêu thích từ ai đó. Vì vậy, hãy đối xử tốt với người khác khi bạn thật sự muốn vậy.

Trước khi đề nghị giúp đỡ người khác, bạn hãy cân nhắc thật kỹ về ý định của mình và những tác động của việc làm đó đối với cảm xúc của bạn. Liệu việc giúp đỡ người khác có làm cho bạn thấy vui hay bạn sẽ buồn bực nếu người khác không nhận ra điều đó và đáp lại? Nếu bạn đối xử tốt với một người chỉ để nhận được sự công nhận và đền đáp từ họ, vậy thì bạn không nên làm điều ấy nữa.

2. Tập cách xem trọng bản thân hơn

Bạn cần nguồn năng lượng và cảm xúc để giúp đỡ ai đó. Nếu bạn không chăm sóc tốt cho chính mình trước, bạn sẽ không thể làm gì cho người khác cả. Việc đặt mình ở vị trí ưu tiên không phải là ích kỷ, đó đôi khi là một cách sống lành mạnh.

Theo nhà tâm lý Myer: “Sẽ chẳng sao nếu bạn là một người thích cho đi và quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cũng cần quan tâm đến nhu cầu và mong muốn của chính mình”.

Hãy nhớ rằng, có rất nhiều cách giúp bạn tập xem trọng chính mình hơn như nêu lên suy nghĩ trong một cuộc họp, chia sẻ thoải mái về cảm xúc của mình và trò chuyện thẳng thắn với người khác về những điều bạn cần trong các mối quan hệ.

3. Học cách đặt ra ranh giới cho bản thân
Theo Myers, việc đặt ra cho mình những giới hạn là một bước quan trọng giúp bạn hạn chế cách sống vì mọi người quá nhiều.

Nếu một ai đó nhờ đến sự giúp đỡ hoặc can thiệp của bạn, hãy cân nhắc những yếu tố sau đây:

  • Bạn cảm thấy thế nào về việc đó: Đây có phải là việc bạn muốn làm hay không hay là việc khiến bạn sợ hãi?
  • Liệu bạn có thời gian để quan tâm đến nhu cầu của bản thân hay không: Liệu bạn có phải hy sinh thời gian rảnh rỗi quý báu của mình hoặc bỏ qua những việc quan trọng chỉ để giúp đỡ ai đó?
  • Việc giúp đỡ người khác khiến bạn cảm thấy thế nào: Bạn sẽ cảm thấy vui hay bực bội khi làm điều đó?

4. Chờ đến khi người khác lên tiếng nhờ giúp đỡ
Là một người sống vì mọi người quá nhiều, bạn thường đưa ra gợi ý giúp đỡ người khác trước khi được nhờ đến. Bạn tình nguyện làm thêm công việc khác ở công ty hoặc đưa ra các gợi ý khi một ai đó nói về khó khăn của họ.

Tuy nhiên, bạn hãy một lần thử thách bản thân bằng cách chờ đến khi ai đó yêu cầu bạn giúp đỡ. Ví dụ như, nếu một người bạn than phiền về việc ông chủ của họ tệ đến mức nào, hãy thể hiện sự quan tâm của bạn bằng cách lắng nghe, thay vì liệt kê cho họ những cách để giải quyết tình huống đó. Họ đôi khi chỉ cần sự đồng cảm và thấu hiểu, chứ không phải là giải pháp hoặc sự giúp đỡ.

5. Nói chuyện cùng các chuyên gia tâm lý
Không phải lúc nào bạn cũng có thể một mình thay đổi cách sống vì mọi người quá nhiều, đặc biệt khi lối sống này đã được hình thành từ bé hoặc là kết quả của những chấn thương tâm lý trong quá khứ.

Các chuyên gia tâm lý có thể giúp khám phá những điều ẩn chứa phía sau mong muốn làm vui lòng người khác của bạn. Dù nguyên nhân dẫn đến cách sống này thường không rõ ràng, nhưng các chuyên gia vẫn có thể gợi ý cho bạn những hướng giải quyết cụ thể để giúp bạn tránh khỏi cách sống vì mọi người quá nhiều.

Sống vì mọi người có vẻ là một việc làm tốt, nhưng không có nghĩa là bạn cần làm tất cả mọi thứ để làm vui lòng những người xung quanh. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi cứ phải chiều lòng người khác, hãy trò chuyện với các chuyên gia tâm lý để được tư vấn những cách có thể khiến bạn trở nên hạnh phúc hơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here