Tình trạng kiệt sức sẽ tàn phá tim và mạch máu theo cách nào?

0
1260

Tim và mạch máu là những cơ quan chịu tác động trực tiếp nếu bạn bị kiệt sức. Để bảo vệ sức khỏe cho hệ cơ quan này, bạn cần có những am hiểu nhất định về mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và tình trạng kiệt sức.

Cảm thấy mệt mỏi cực độ, cáu gắt, thường xuyên chán nản là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị kiệt sức. Đây là điều không tốt cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Đương nhiên, tình trạng này cũng sẽ làm giảm sút chất lượng cuộc sống và công việc của bạn một cách đáng kể.

Mối liên hệ giữa kiệt sức với sức khỏe của tim và mạch máu

Kiệt sức không chỉ là sự mệt mỏi cực độ về thể chất. Nó còn có mối liên hệ mật thiết với sự căng thẳng về yếu tố tinh thần. Đôi khi, bạn sẽ bị kiệt sức nếu liên tục cảm thấy căng thẳng trong công việc. Điều này biểu hiện ở sự hoài nghi về năng lực bản thân hoặc kết quả công việc không như mong đợi.

Kết quả của một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có khoảng 2/3 số nhân viên viên văn phòng đã tham gia khảo sát bị kiệt sức trong công việc. Trong số đó, có khoảng 1/4 người luôn cảm thấy mình căng thẳng cực độ trong mỗi ngày làm việc.

Mặc dù công việc là yếu tố gây căng thẳng, kiệt sức phổ biến ở nhiều người nhưng theo tiến sĩ Parveen Garg – Phó Giáo sư Y học lâm sàng tại Đại học Y khoa California thì tình trạng kiệt sức còn có thể xảy ra bởi những yếu tố khác như đời sống xã hội, gia đình hoặc các mối quan hệ.

Trong khi đó, tất cả những yếu tố kể trên đều có sự liên quan trực tiếp đến sức khỏe của tim và mạch máu, bao gồm các chứng bệnh nguy hiểm như động mạch vành,suy tim sung huyết…

Theo Healthline, nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh tình trạng kiệt sức cũng có thể gây tổn thương cho tim và mạch máu của bạn. Khi đó, rung tâm nhĩ là tình trạng thường gặp nhất.

Rung tâm nhĩ có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực, tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở. Thậm chí, rung tâm nhĩ do kiệt sức còn có khả năng khiến bạn đột quỵ ngay cả khi không có triệu chứng gì bất thường.

Trong một nghiên cứu, tiến sĩ Matthew Budoff – công tác tại một trường Y khoa ở Torrance (California) giải thích, khi bạn bị căng thẳng, nồng độ adrenaline tăng lên. Đây là yếu tố thuận lợi nhất để dẫn đến tình trạng rung tâm nhĩ.

Kiệt sức có khả năng dẫn đến bệnh rung tâm nhĩ. Trong khi đó, căn bệnh nguy hiểm này có thể khiến bạn gặp nhiều bất ổn ở hệ tim và mạch máu, thậm chí là tử vong.

Vì sao tình trạng kiệt sức sẽ phá hủy tim và mạch máu của bạn?

Trong một nghiên cứu mới, Garg và cộng sự đã theo dõi hơn 11.000 người trong gần 25 năm. Những người này được theo dõi để tìm kiếm các dấu hiệu kiệt sức bao gồm tức giận, sử dụng thuốc chống trầm cảm và chịu nhiều áp lực từ cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người có mức độ kiệt sức cao hơn sẽ dễ bị rung nhĩ hơn những người không có hoặc có mức độ kiệt sức thấp hơn (trong khoảng thời gian tiến hành nghiên cứu).

Bên cạnh đó, những người phải sử dụng thuốc chống trầm cảm cũng có nhiều khả năng đối mặt với bệnh rung nhĩ cũng như các vấn đề khác ở hệ tim và mạch máu.

Với những người thường tức giận hoặc chịu nhiều áp lực từ cuộc sống, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên kết rõ ràng nào với bệnh rung nhĩ hoặc các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, về mặt logic, sự tức giận có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng sinh lý cơ thể. Điều này gây ra sự giải phóng các phân tử gây viêm. Những phân tử này có thể làm hỏng mô tim. Sau đó, chúng có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh rung nhĩ.

Hơn nữa, việc tức giận thường xuyên cũng gây ra những tổn hại khác cho sức khỏe tổng thể.

Những dấu hiệu kiệt sức bao gồm căng thẳng, tức giận, chịu nhiều áp lực có thể kích hoạt các yếu tố gây viêm ở mô tim. Từ đó gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe tim mạch.

Học cách quản lý căng thẳng để bảo vệ tim và mạch máu

Những người bị căng thẳng mạn tính có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn người bình thường. Căng thẳng thường xuyên sẽ khiến bạn kiệt sức. Kiệt sức làm gia tăng các vấn đề ở tim và mạch máu. Vì thế, điểm mấu chốt là bạn cần biết cách quản lý căng thẳng để bảo vệ sức khỏe của mình.

Để quản lý căng thẳng, bạn cần tập thể dục mỗi ngày và duy trì những sở thích lành mạnh của bản thân. Bên cạnh đó, yếu tố cần thiết nhất là giữ bản thân tránh xa những yếu tố gây căng thẳng và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh.

Về liệu pháp tâm lý, các chuyên gia sức khỏe cho rằng, nếu bạn học cách biết ơn cuộc sống, bao dung và dễ dàng tha thứ hơn, bạn cũng sẽ tăng khả năng cải thiện các dấu hiệu viêm và sức khỏe tâm mạch.

Bên cạnh tình trạng kiệt sức, những yếu tố rủi ro khác khiến tim và mạch máu của bạn dễ bị tác động tiêu cực là bệnh huyết áp, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, lối sống kém lành mạnh. Vì thế, bạn cần kiểm soát cuộc sống của mình tốt hơn để có hệ tim và mạch máu khỏe mạnh.

Quản lý căng thẳng đúng cách sẽ giúp bạn tăng cường khả năng cải thiện sức khỏe của hệ tim và mạch máu.

Cách ăn uống khoa học cho người đang bị kiệt sức

Để bảo vệ tim và mạch máu, cân bằng sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần là một trong những việc làm quan trọng nhất cần được thực hiện khi bạn bị kiệt sức. Bạn hãy áp dụng những chế độ ăn uống được gợi ý dưới đây.

Tăng cường tiêu thụ thực phẩm chứa omega-3

Omega – 3 là một loại axit béo được tìm thấy trong các loại thực phẩm như hạt chia, hạt lanh, quả óc chó, đậu thận, rong biển, cá hồi, cá thu, cá tuyết…

Omega-3 cung cấp cho não loại chất béo cần thiết để duy trì khả năng hoạt động. Chúng cũng chịu trách nhiệm trong việc cân bằng các hóa chất trong não để giúp bạn cân bằng tâm trạng, kiểm soát khả năng ghi nhớ trong học tập, công việc và cuộc sống.

Tránh sử dụng đồ ăn đóng hộp hoặc thức ăn nhanh

Thực phẩm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Đó có thể là các loại phụ gia nhân tạo có trong đồ ăn đóng hộp hoặc thức ăn nhanh. Nếu thường xuyên tiêu thụ những loại thực phẩm này, cơ thể của bạn có thể bị rối loạn hormone. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn, trong đó có hệ tim và mạch máu.

Thay vì sử dụng đồ ăn đóng hộp hoặc thức ăn nhanh, bạn hãy sử dụng nguyên liệu tươi sống để chế biến bữa ăn hằng ngày. Điều này có thể khiến bạn mất nhiều thời gian hơn nhưng đổi lại, bạn sẽ có được sức khỏe tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tăng cường protein

Protein rất cần thiết cho nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể. Trong đó, tryptophan là một loại axit amin đặc biệt được tìm thấy trong protein có chức năng chính trong việc sản xuất serotonin. Serotonin được xem là một “phân tử hạnh phúc”.

Việc tăng cường tiêu thụ protein lành mạnh từ thực phẩm sẽ giúp cơ thể duy trị sự cân bằng serotonin trong cơ thể. Điều này rất quan trọng trong việc cải thiện tâm trạng cũng như sức khỏe tinh thần để bạn bảo vệ hệ tim và mạch máu.

Khi kết hợp đúng các phương pháp quản lý căng thẳng, cân bằng đời sống tinh thần và chế độ ăn uống khoa học, bạn sẽ không bị kiệt sức. Khi đó, sức khỏe tổng thể cũng như hệ tim và mạch máu của bạn cũng sẽ được cải thiện.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here