Vì sao trẻ 5 – 6 tháng tuổi biếng ăn?
Bé 5 – 6 tháng biếng ăn thường có 2 nguyên nhân: Nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân sinh lý. Và đây là 2 nguyên nhân phổ biến nhất gây lên biếng ăn ở trẻ.
Nguyên nhân bệnh lý khiến bé 5 – 6 tháng biếng ăn
Khi trẻ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp, táo bón… trẻ thường có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc và bỏ bữa. Ngoài ra, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến sức đề kháng của trẻ kém, do đó trẻ dễ mắc các bệnh ốm vặt như hắt hơi, sổ mũi, ho… Khi gặp những vấn đề bệnh lý này, trẻ rất nhạy cảm với các mùi, vị của các món ăn. Do đó, việc nấu các món ăn cho trẻ trong thời điểm như vậy rất cần được quan tâm và điều chỉnh để bé có thể ăn ngon miệng trở lại, không chán ăn bỏ bữa nữa.
Nguyên nhân sinh lý khiến bé 5 – 6 tháng biếng ăn
Nguyên nhân sinh lý thường đến từ việc cơ thể trẻ có những thay đổi nhất định như mọc răng, dị ứng, nhiễm trùng tai, mũi, họng… Thậm chí việc dùng nước xả vải có mùi đậm đặc và lưu mùi lâu cũng khiến bé bị dị ứng mũi hoặc tai. Ngoài ra, bé nào có biểu hiện trào ngược dạ dày cũng khiến bé biếng ăn bởi ăn vào sẽ bị đau; những tổn thương ở vùng miệng như nổi mụn, đau lợi, tưa lưỡi… cũng gián tiếp khiến bé biếng ăn.
Phần lớn, trẻ ở độ tuổi 5 – 6 tháng biếng ăn là do cơ thể chưa kịp thích nghi với việc chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm nên có những phản ứng kháng lại đó là không ăn, chán ăn, quấy khóc.
Trẻ 5 – 6 tháng biếng ăn gây hậu quả gì?
5 – 6 tháng là thời điểm các bé bước sang giai đoạn ăn dặm, chính vì vậy, nếu bé bị biếng ăn ở giai đoạn này sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Khi trẻ biếng ăn, cơ thể không có đủ dinh dưỡng để thúc đẩy các hoạt động của các cơ quan như gan, tim, phổi, não… và sự phát triển của xương. Khi bị biếng ăn kéo dài, bé sẽ gặp các vấn đề sau:
- Bị thiếu năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng
- Chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao.
- Suy dinh dưỡng và kém phát triển trí não.
- Suy giảm hệ miễn dịch và sức đề kháng trước dịch bệnh
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, viêm đường hô hấp
- Thiếu hụt vitamin A gây khô mắt, khô giác mạc.
- Thiếu sắt khiến hồng cầu giảm dẫn đến thiếu máu.
- Thiếu vitamin D, canxi gây còi xương, rối loạn tăng trưởng.
Thậm chí, nhiều trẻ bị thiếu dinh dưỡng và trở lên ốm yếu từ đó dẫn đến bị rối loạn nhận thức và cảm xúc, ảnh hưởng tới học tập, phát triển trí tuệ và nhận thức và có thể kéo dài tới 5 năm sau.
Trẻ 5 – 6 tháng biếng ăn phải làm sao?
Việc cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ đòi hỏi sự thống nhất và phối kết hợp của gia đình, nhà trường và bác sĩ thì mới có thể giúp bé lấy lại cảm giác ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt và bắt kịp với các bạn khác cùng lứa tuổi.
Các cách giúp trẻ 5 – 6 tháng tuổi hết biếng ăn
Chế biến món ăn đủ chất và trình bày hấp dẫn
Khi trẻ biếng ăn, mẹ cần thay đổi thực đơn cho bé, chế biến các món đủ chất. Đặc biệt, thay vì trình bày qua loa cho xong, mẹ nên dành thêm vài phút trang trí món ăn theo những hình thù lạ mắt, đáng yêu để kích thích sự tò mò, thèm ăn của bé. Mẹ có thể xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn đảm bảo các nhóm dưỡng chất sau:
- Nhóm bột đường: gạo, bột mì, bắp, khoai,…
- Nhóm đạm: thịt, trứng, sữa, hải sản,…
- Nhóm chất béo: dầu, mỡ, bơ, phô mai, đậu nành,…
- Nhóm vitamin và khoáng chất: chứa nhiều trong rau củ và trái cây.
Cho trẻ ăn đúng giờ và đúng giai đoạn
Các giai đoạn ăn uống nếu được thực hiện đúng cũng giúp bé cải thiện được phần nào tình trạng biếng ăn.
- Giai đoạn ăn bột: Mẹ nên cho bé nhắm nháp bột từ sớm (5-7 tháng). Thức ăn cần được xay nhuyễn và đủ dinh dưỡng.
- Giai đoạn ăn cháo: Tốt nhất là từ 7-10 tháng tuổi, để bé quen dần với việc ăn cháo, trong quá trình ăn bột ở giai đoạn gần cuối tháng thứ 6, mẹ xen kẽ 1-2 muỗng cháo vào rồi tăng dần sau.
- Giai đoạn ăn cơm: Bé chỉ nên ăn cơm khi đã mọc đủ 12 cái răng. Tuy nhiên, các thức ăn ăn cùng cơm cần là thức ăn mềm, dễ nhai.
Không cho bé ăn vặt trước bước ăn
Mẹ thường chiều lòng bé mỗi lần bé đòi ăn vặt, việc này khiến bé đầy bụng và khi vào bữa chính, bé chẳng còn hào hứng với bữa ăn nữa. Mẹ vẫn có thể cho bé ăn vặt nhưng hãy cho bé ăn sau bữa chính nhé.
Không ép bé ăn khi bé đã có biểu hiện no
Khi bé đã có cảm giác no bụng, mẹ tuyệt đối không ép bé ăn thêm. Bởi việc ép bé ăn khi bé không muốn sẽ tạo cảm giác sợ hãi mỗi lần tới bữa, bé sẽ né tránh việc ăn bằng cách nghịch đồ chơi hoặc quấy khóc ầm lên.
Những câu hỏi mẹ thường gặp khi con biếng ăn
Bé 5 – 6 tháng tuổi biếng uống sữa phải làm sao?
Khi bé lười uống sữa, bạn có thể để cho bé khát rồi dỗ bé uống sữa trước rồi mới uống nước sau. Nếu bé không chịu bú bình, mẹ nên dùng thìa đút cho bé. Có thể bé sẽ chưa quen với sữa công thức, bạn nên chọn các loại sữa có vị nhạt hoặc không bị như sữa mẹ để bé dễ uống hơn.
Nếu bé vẫn biếng uống sữa, mẹ có thể cho bé ăn sữa chua sau bữa ăn. Hoặc thêm phô mai vào cháo của bữa sáng để bổ sung canxi thiếu do bé lười uống sữa. Đó cũng là một cách giúp mẹ không phải đánh vật với việc ép bé uống sữa.
Bé 5 – 6 tháng không chịu ăn bột phải làm gì?
Khi trẻ không chịu ăn bột, mẹ cần xem ngay loại bột mà bé đang ăn để đổi sang loại bột khác. Hơn nữa, những thực phẩm mà mẹ trộn lẫn vào bột để tăng dinh dưỡng cho bé chưa phù hợp. Ngoài ra, lúc cho bé ăn bột, mẹ cần tắt tivi, cất đồ chơi và tất cả những thứ có thể khiến bé xao nhãng việc ăn.
Bé 5 – 6 tháng không chịu ăn dặm có phải bị vấn đề về tiêu hóa?
Vấn đề về tiêu hóa không khiến bé không chịu ăn dặm mà chỉ khiến bé biếng ăn và táo bón. Chính vì vậy, bé không chịu ăn dặm rất có thể do ăn dặm quá sớm. Một nguyên nhân khác là thức ăn dặm không phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Do đó, mẹ cần tập cho bé ăn dặm với lượng nhỏ rồi tăng lên dần dần. Khi bé né tránh thức ăn thì không nên ép và bữa sau đổi sang món khác.
Sai lầm thường gặp của mẹ khi thấy trẻ 5 – 6 tháng tuổi biếng ăn
Bữa ăn kéo dài hàng tiếng đồng hồ
Thời gian chuẩn khoa học cho một bữa ăn của trẻ nhỏ là không quá 30 phút. Khi thời gian ăn bị kéo dài, thức ăn nguội, vữa khiến bé thêm chán ăn. Hơn nữa, bữa ăn kéo dài khiến bữa tiếp theo đến nhanh hơn trong khi bé vẫn còn no và tình trạng chán ăn lại tiếp diễn.
Chú trọng quá mức vào một chất mà thiếu các chất khác
Nhiều mẹ cho rằng, đạm là chất tốt nhất cho sự phát triển của con trong thời điểm này, chính vì vậy, các mẹ chú trọng bổ sung cho con nhiều chất đạm hơn và các chất khác thì hoặc là không có hoặc là có rất ít. Bé bị thiếu chất này, thừa chất kia dẫn đến phát triển không đồng đều giữa thể trạng và trí não.
Nêm nước mắm, muối vào đồ ăn của con dưới 12 tháng
Theo khuyến cáo của NHS (Trung Tâm Y tế Quốc gia của Anh) thì lượng muối tối đa theo tuổi như sau
• Dưới 12 tháng tuổi: 1g muối/ngày (<0.4g Natri)
• 1 đến 3 tuổi : 2g muối/ngày (0.8g Natri)
• 4 đến 6 tuổi 3g muối/ngày (1.2g Natri)
• 7 đến 10 tuổi 5g muối/ngày (2g Natri)
• Trên 11 tuổi 6g muối/ngày (2.4g Natri)
Theo như cách tính này thì đứa bé 11 tuổi mới cần 1 muỗng nêm cà phê muối mỗi ngày. Hơn nữa, thận của trẻ dưới 12 tháng khả năng đào thải muối (hoặc mắm) không được tốt. Việc nêm mắm muối vào bữa ăn của trẻ dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe.