Theo một nghiên cứu, ảnh hưởng của COVID-19 có thể gây ra tổn thương tim, cho dù người đó không có các bệnh nền về tim mạch.
Bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã ảnh hưởng đến hàng nghìn người trên thế giới. Ảnh hưởng của COVID-19 chủ yếu tác động đến phổi, gây đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu khác, bệnh cũng có thể gây tổn thương tim (ngay cả những người không có vấn đề về tim) và các biến chứng COVID-19 khác.
Nếu có tiền sử mắc bệnh tim thì bạn sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn. Đối với người khỏe mạnh, khi nhiễm SARS-CoV-2, họ sẽ dễ bị tổn thương tim hơn. Vậy ảnh hưởng của COVID-19 đối với hệ tim mạch như thế nào? Mời bạn tham khảo bài sau đây nhé.
SARS-CoV-2 và ACE2
ACE2 là enzyme chuyển angiotensin 2 có vai trò quan trọng trong hệ tim mạch và miễn dịch. Enzyme này liên quan đến chức năng tim, sự tiến triển của tăng huyết áp và đái tháo đường. Ngoài ra, ACE2 còn được chứng minh là một đồng thụ thể cho các chủng coronavirus, gồm SARS-CoV và SARS-CoV-2.
Tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được kích hoạt khi protein spike của virus gắn vào ACE2. Điều này biểu hiện cao nhất ở tim và phổi. SARS-CoV-2 chủ yếu xâm lấn các tế bào biểu mô phế nang, dẫn đến các triệu chứng hô hấp. Những triệu chứng coronavirus chủng mới sẽ nghiêm trọng hơn ở những người mắc bệnh tim mạch, có thể là do việc tăng tiết ACE2.
Mức ACE2 có thể tăng do sử dụng các chất ức chế hệ renin–angiotensin–aldosterone. Do ACE2 là một đồng thụ thể chức năng của SARS-CoV-2, nên bác sĩ sẽ cân nhắc cẩn thận về tác dụng an toàn và tiềm năng của các thuốc điều trị hạ huyết áp (thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin) ở người mắc COVID-19.
Những ảnh hưởng của COVID-19 lên tim mạch
Chấn thương tim cấp tính
Theo các báo cáo, virus MERS-CoV (nguyên nhân gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông) có thể dẫn đến viêm cơ tim cấp và suy tim.
SARS-CoV-2 cũng có khả năng gây bệnh và tổn thương cơ tim như MERS-CoV. Điều này sẽ làm tăng mức độ khó khăn trong việc điều trị COVID-19.
Theo báo cáo, trong 41 người nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, có 5 người bị chấn thương cơ tim do virus gây ra. 4 trong 5 người bệnh này phải được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Ngoài ra, những người được điều trị trong phòng ICU cũng có huyết áp tăng cao đáng kể so với những người bệnh khác.
Một báo cáo khác ở 138 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán, có đến 36 người có các biểu hiện bệnh nghiêm trọng cần phải được chăm sóc đặc biệt (ICU).
Một số trường hợp, người bệnh sẽ có dấu hiệu tim đập nhanh và tức ngực thay vì các triệu chứng hô hấp như ho và sốt. Theo báo cáo của NHC về số người tử vong do COVID-19, khoảng 11,8% trường hợp không có bệnh nền tim mạch nhưng lại bị tổn thương tim nghiêm trọng do SARS-CoV-2, kèm với mức cTnI tăng cao hoặc ngừng tim khi nhập viện.
Tổn thương tim mạch mạn tính
Virus SARS-CoV-2 có cấu trúc tương tự SARS-CoV (virus gây dịch SARS) nên nó cũng có thể gây tổn thương lâu dài lên hệ tim mạch. Theo một nghiên cứu 12 năm ở 25 bệnh nhân hồi phục từ nhiễm SARS-CoV, 68% trường hợp bị tăng lipid máu, 44% có hệ thống tim mạch bất thường và 60% bị rối loạn chuyển hóa glucose.
Các nghiên cứu cũng cho thấy những người từng nhiễm bệnh SARS có quá trình chuyển hóa lipid bị rối loạn. Ở những người bệnh này, nồng độ huyết thanh của các axit béo tự do, lysophosphatidylcholine, lysophosphatidylethanolamine và phosphatidylglycerol tăng đáng kể so với người không nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, cơ chế lây nhiễm SARS-CoV dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid và glucose vẫn chưa chắc chắn.
Người có bệnh nền tim mạch sẽ có nguy cơ mắc biến chứng cao hơn
Một phân tích tổng hợp cho thấy nguy cơ nhiễm MERS-CoV ở người có bệnh nền tim mạch thường cao hơn. Đối với người bệnh có các triệu chứng nặng, 50% trường hợp bị tăng huyết áp và tiểu đường, 30% bị bệnh tim.
Tương tự, theo Chương trình chẩn đoán và điều trị viêm phổi cho người mới nhiễm coronavirus, người cao tuổi với các bệnh nền sẽ có khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành hoặc tiểu đường. Hơn nữa, người bệnh cũng có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng nghiêm trọng nếu bị nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm COVID-19 kèm bệnh tim mạch là rất lớn.
Trong một nghiên cứu, trong số những người có triệu chứng nặng, 58% bị tăng huyết áp, 25% bị bệnh tim và 44% bị rối loạn nhịp tim.
Theo dữ liệu về tỷ lệ tử vong do NHC công bố, 35% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có tiền sử tăng huyết áp và 17% có tiền sử bệnh mạch vành. Hơn nữa, dữ liệu cho thấy người già trên 60 tuổi bị nhiễm COVID-19 có triệu chứng toàn thân và viêm phổi nặng hơn so với bệnh nhân dưới 60 tuổi.
Do đó, ảnh hưởng của COVID-19 đối với người có bệnh nền tim mạch là rất nghiêm trọng, khiến tình trạng viêm phổi nặng hơn. Ngoài ra, người mắc bệnh mạch vành cấp tính sẽ có tiên lượng rất xấu. Ở những người này, việc duy trì chức năng tim mạch sẽ bị suy giảm do thiếu máu cơ tim hoặc hoại tử.
Ở Vũ Hán, một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 kèm theo bệnh mạch vành thường có tình trạng bệnh nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao. SARS-CoV-2 giống như một yếu tố quan trọng khiến tình trạng bệnh tim nghiêm trọng hơn, thậm chí gây chết người.
Tổn thương tim liên quan đến thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus, trong quá trình điều trị COVID-19 là một mối quan tâm của các chuyên gia. Trong một nghiên cứu trên 138 bệnh nhân nhiễm COVID-19, 89,9% được cho dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy nhiều loại thuốc kháng virus có thể gây ra suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc các rối loạn tim mạch khác.
Do đó, trong quá trình điều trị COVID-19, đặc biệt là khi sử dụng thuốc kháng virus, bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ nguy cơ nhiễm độc tim.
Bạn có thể xem thêm: Chẩn đoán COVID-19 và những điều bạn có thể chưa biết
Lời khuyên dành cho bạn đọc
Các biến chứng của COVID-19 là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, những người có bệnh nền sẽ khiến việc điều trị coronavirus gặp nhiều khó khăn hơn. Để phòng ngừa COVID-19, bạn hãy tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, như đeo khẩu trang khi ra đường, tự cách ly tại nhà, hạn chế ra đường và đến nơi đông người, rửa sạch tay sau khi từ bên ngoài về, khử trùng và làm sạch nhà…
Nếu nhận thấy triệu chứng bệnh hay có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh trong thời gian gần đây, bạn hãy nhanh chóng gọi điện vào đường dây nóng 1900 3228 và 1900 9095 của Bộ Y tế. Không nên tự ý đến những nơi khám bệnh vì có thể lây nhiễm cho mọi người.
Bạn cũng có thể liên lạc với đường dây nóng của các bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV:
- Bệnh viện E | Hà Nội: 091 216 8887
- Bệnh viện Bạch Mai | Hà Nội: 096 985 1616
- Bệnh viện Vinmec Hà Nội | Hà Nội: 093 447 2768
- Bệnh viện Nhi trung ương | Hà Nội: 037 288 4712
- Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội | Hà Nội: 090 413 8502
- Bệnh viện Phổi trung ương | Hà Nội: 096 794 1616
- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương | Hà Nội: 096 924 1616
- Bệnh viện tỉnh Thái Bình | Thái Bình: 098 950 6515
- Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn | Lạng Sơn: 039 680 2226
- Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí | Quảng Ninh: 096 668 1313
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên | Thái Nguyên: 091 339 4495
- Bệnh viện Trung ương Huế | Huế: 096 530 1212
- Bệnh viện Đà Nẵng | Đà Nẵng: 090 358 3881
- Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa | Khánh Hòa: 096 537 1515
- Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa | Khánh Hòa: 091 346 4257
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ | Cần Thơ: 090 773 6736
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai | Đồng Nai: 081 963 4807
- Bệnh viện Nhi đồng 1 | Hồ Chí Minh: 091 311 7965
- Bệnh viện Nhi đồng 2 | Hồ Chí Minh: 079 842 9841
- Bệnh viện Chợ Rẫy | Hồ Chí Minh: 096 987 1010
- Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM | Hồ Chí Minh: 096 734 1010
Ngoài ra, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương đang sống để được hỗ trợ nhanh chóng cách xử lý phù hợp.