Nếu như tình trạng trĩ xuất hiện ở người lớn khá phổ biến, nhất là với lối sống thụ động ngày nay, thì bệnh trĩ ở trẻ em có thể khiến nhiều người bất ngờ. Một vài người còn phản đối: “Làm sao trẻ em có thể mắc bệnh trĩ được?” hay cho rằng bệnh trĩ chỉ có ở trẻ trong độ tuổi biết đi trở lên. Sự thật là bệnh trĩ có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi chứ không riêng gì người lớn tuổi.
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch trong ở trực tràng hoặc hậu môn bị giãn quá mức, khiến chúng sưng lên. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu nhưng nhìn chung thì bệnh không quá nghiêm trọng và có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Mặc dù xảy ra phổ biến ở người lớn do nguyên nhân chủ yếu là táo bón nhưng trĩ vẫn có khả năng xuất hiện ở trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh trĩ ở trẻ em khá nhỏ, rất hiếm khi xảy ra.
Tương tự như người lớn, trẻ em cũng có thể mắc phải các loại trĩ sau:
- Trĩ nội: búi trĩ hình thành bên trong ống hậu môn, khó có thể quan sát thấy. Dấu hiệu ban đầu là đi ngoài ra máu và cảm giác đau rát ở hậu môn. Khi búi trĩ phát triển lên giai đoạn nặng thì búi trĩ có thể sa ra ngoài.
- Trĩ ngoại: trĩ hình thành bên ngoài, xung quanh hậu môn, có thể nhìn và sờ thấy được.
- Trĩ hỗn hợp: xuất hiện đồng thời cả trĩ nội và trĩ ngoại cùng một lúc, gây nên những triệu chứng khá nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ ở trẻ em
Một số nguyên nhân có thế khiến bệnh trĩ xuất hiện ở trẻ em bao gồm:
- Ngồi trên bề mặt cứng trong thời gian dài.
- Ngồi bô quá lâu. Nếu trẻ ngồi bô lâu hơn 10 phút thì có nguy cơ bị trĩ cao hơn bình thường. Thời gian đi vệ sinh kéo dài có thể khiến máu dồn lại và tích tụ ở vùng xương chậu.
- Cố gắng rặn trong khi đi đại tiện.
- Chế độ ăn uống không hợp lý như ít chất xơ, không uống đủ nước sẽ làm tăng nguy cơ táo bón dẫn đến trĩ.
- Quấy khóc dữ dội và thường xuyên cũng khiến trẻ bị trĩ. Nguyên do là vì khi la khóc dữ dội, máu sẽ bị đẩy dồn xuống phía xương chậu và làm tăng áp lực lên bụng từ bên trong. Cuối cùng, máu bị ứ đọng trong khu vực trực tràng.
- Trẻ có thể bị trĩ do di truyền từ bố/mẹ, có thể quan sát thấy ngay trong tuần đầu tiên sau khi sinh. Những nốt trĩ sẽ thò ra ngoài trong lúc đi đại tiện hoặc khi khóc, khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
- Viêm ruột do nhiều lý do cũng liên quan đến sự hình thành trĩ.
- Ít vận động, không tham gia vào các hoạt động thể thao.
Triệu chứng bệnh trĩ ở trẻ em
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh hay mới tập đi, không có khả năng diễn đạt điều gì đang xảy ra khiến chúng khó chịu. Thế nên, bạn phải theo dõi cẩn thận và để ý đến một vài triệu chứng nhất định để xác định bé có đang bị trĩ hay không.
Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu bạn nhìn thấy có những khối u sưng, cứng ở xung quanh hậu môn của trẻ thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ.
Bệnh trĩ ở trẻ nhỏ có khả năng gây ra thêm tình trạng khác như táo bón hoặc nứt hậu môn. Một số triệu chứng bệnh trĩ ở trẻ em bao gồm:
- Xuất hiện vệt máu đỏ tươi trong phân
- Rò rỉ chất nhầy ở hậu môn
- Khóc khi đi đại tiện
- Phân cứng, khô
Nếu bạn nghĩ con bạn bị bệnh trĩ, hãy đến gặp bác sĩ nhi để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Có thể đó không phải do bệnh trĩ gây ra, chẳng hạn như khi thấy trẻ đi ngoài ra máu thì biết đâu trẻ mắc phải một tình trạng bệnh nào khác nghiêm trọng hơn.
Khi bác sĩ đã đưa ra được kết luận chính xác, bạn sẽ biết được cách điều trị các vấn đề thật hiệu quả để trẻ bớt khó chịu và quấy khóc.
Điều trị bệnh trĩ ở trẻ em
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trĩ vẫn là táo bón nên điều đầu tiên là bạn phải theo dõi và thay đổi chế độ ăn cho trẻ.
Khi bé còn bú sữa mẹ, khả năng táo bón rất thấp và nếu như bé bị trĩ giai đoạn này thì có thể là do di truyền. Khi trẻ bắt đầu ăn giặm và uống sữa công thức, táo bón có khả năng xuất hiện cao hơn một chút.
Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, nguyên nhân gây táo bón thường là thiếu chất xơ, thiếu nước và không luyện tập thể dục thường xuyên.
Khi trẻ bị táo bón, bạn có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi hoặc các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn. Họ sẽ khuyến cáo bạn nên bổ sung gì vào thực đơn hàng ngày, chẳng hạn như:
- Bổ sung đủ nước
- Trái cây như táo, lê hoặc nước ép mận
- Đậu xay nhuyễn
- Rau xay nhuyễn
- Các loại ngũ cốc, lúa mạch.
Một số ít trường hợp đặc biệt, bác sĩ nhi có thể đề nghị sử dụng thuốc đạn có glycerin cho trẻ nhỏ để “giải quyết” tình trạng táo bón.
Những cách hữu hiệu khác để hạn chế táo bón
Bên cạnh táo bón, một trong những vấn đề khiến bạn lo lắng và cho rằng trẻ bị trĩ là nứt hậu môn. Nếu bạn thấy máu trên khăn giấy sau khi làm sạch phân ở hậu môn cho trẻ, rất có thể nguyên nhân là do nứt hậu môn thay vì bệnh trĩ.
Bất kể là nguyên nhân gì, bạn vẫn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh cụ thể. Một vết nứt hậu môn là một vết rách hẹp nằm ở mô bên trong hậu môn, thường xuất hiện khi phân quá cứng đi qua. Các vết nứt này thường tự lành nhưng cha mẹ nên thay tã cho bé thường xuyên và làm sạch vùng hậu môn thật nhẹ nhàng.
Một số cách phổ biến giúp điều trị hiệu quả các tình trạng ở hậu môn của trẻ thường bị nhầm lẫn với trĩ bao gồm:
- Tăng lượng thức ăn có chất xơ cho bé
- Cho bé uống nhiều nước hơn để cơ thể giữ đủ nước
- Sử dụng khăn mềm, ướt, không chứa hương liệu để tránh kích ứng vùng hậu môn khi làm vệ sinh
- Sử dụng các chất bôi trơn ở hậu môn trong khi đại tiện
- Di chuyển nhẹ nhàng tay và chân bé để giúp cơ thể vận động và hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
Nếu trẻ đáp ứng với các cách điều trị trên, triệu chứng bệnh có thể biến mất trong vòng 1–2 tuần. Ngược lại, khi các tình trạng vẫn chưa chấm dứt, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để có những phương pháp điều trị thay thế khác.
Phòng ngừa bệnh trĩ ở trẻ em
Bệnh trĩ có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, giới tính hay chủng tộc nhưng ở trẻ sơ sinh vẫn hiếm khi nào mắc phải căn bệnh này. Nếu bạn nghi ngờ khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh trĩ, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra cụ thể.
Vì nguyên nhân chính của bệnh trĩ hay các tình trạng tương tự thường là do phân quá cứng dẫn đến táo bón, để phòng ngừa bạn có thể thay đổi chế độ ăn và lối sống cho trẻ.
- Bổ sung chất xơ bằng cách thêm rau quả hoặc trái cây vào bữa ăn hàng ngày
- Nhắc nhở hoặc cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày
- Thêm chút mật ong vào thực phẩm vì mật ong có tác dụng nhuận tràng tốt, hạn chế nguy cơ bị táo bón ở trẻ
- Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi trẻ đi vệ sinh xong
- Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ cho trẻ để nhu động ruột hoạt động tốt hơn, phòng ngừa bệnh trĩ phát triển
Bên cạnh đó, bạn cũng nên khuyến khích trẻ vận động hoặc thực hiện các động tác tay, chân nếu bé còn quá nhỏ để kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả. Không nên cho trẻ ngồi quá lâu, nhất là khi cho trẻ xem tivi hoặc chơi những thiết bị điện tử, vừa không tốt cho sự phát triển trí não và thể chất lại vừa làm tăng nguy cơ bị táo bón.