Ngày 15/5 Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ phối hợp cùng Bệnh viện Sản nhi Sóc Trăng tổ chức hội thảo khoa học với mục đích cập nhật với các bác sĩ về những kỹ thuật đang được triển khai tại S.I.S, tăng hiệu quả trong việc điều trị về kỹ thuật gây tắc mạch điều trị u xơ tử cung xuất huyết trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, đồng thời tránh phải phẫu thuật.
Hội thảo khoa học do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ phối hợp cùng Bệnh viện Sản nhi Sóc Trăng tổ chức ngày 15/5
U xơ tử cung là một khối u lành tính có nguồn gốc từ tổ chức cơ trơn tử cung. Đây là loại u chịu ảnh hưởng của nội tiết tố buồng trứng estrogen trong cơ thể, u xơ thường to ra trong thai kỳ. Tử cung bị u xơ thường có nhiều nhân kích thước to nhỏ khác nhau.
Độ tuổi thường có u xơ tử cung từ 35 đến 50 tuổi, theo thống kê: u xơ tử cung gặp ở phụ nữ trên 35 tuổi khoảng 25 – 30%; trên 40 tuổi khoảng 40%; trên 50 tuổi khoảng 50%.
Các vị trí có thể gặp u xơ tử cung
BS.CK2 Ngô Minh Tuấn – Trưởng đơn vị Can thiệp mạch máu Bệnh viện Trưng Vương cho biết khoảng 30% bệnh nhân có triệu chứng: cường kinh, rong kinh, rong huyết; đau bụng kinh (thống kinh); huyết trắng, tiểu nhiều lần, khó thụ thai, dễ sảy thai…
Để chẩn đoán, phát hiện u xơ tử cung, bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng: siêu âm bụng; nội soi buồng tử cung, có thể kết hợp sinh thiết nội mạc tử cung; chụp buồng tử cung; làm phiến đồ cổ tử cung; thử test beta hCG; chụp CT scanner hoặc MRI vùng chậu; và các xét nghiệm máu.
BS.CK2 Ngô Minh Tuấn – Trưởng đơn vị Can thiệp mạch máu Bệnh viện Trưng Vương
U xơ tử cung có thể tiến triển và đưa đến những biến chứng: thiếu máu cấp/ mạn, xoắn u xơ đối với u xơ dưới thanh mạc có cuống, nhiễm khuẩn, ung thư hóa… U xơ tử cung còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, có thể gây vô sinh do u xơ chèn ép cổ tử cung, kẽ vòi trứng; sảy thai, thai lưu; ngôi thai bất thường; u tiền đạo (khối u nằm trước lối ra của thai nhi), biến chứng sau sinh do rối loạn co bóp tử cung…
Các phương pháp điều trị u xơ tử cung gồm:
1. Điều trị nội khoa.
2. Phẫu thuật: Bóc nhân xơ; cắt bán phần tử cung; cắt tử cung toàn phần.
3. UAE (Uterine Artery Embolization): Tắc động mạch tử cung.
4. MRI – HIFU (Magnetic resonance image High intensity Focused Ultrasound): Siêu âm hội tụ cường độ cao định vị hình ảnh cộng hưởng từ.
Tắc mạch UAE là phương pháp không phẫu thuật nhằm triệt tiêu nguồn máu nuôi u xơ tử cung. Bác sĩ sử dụng một ống thông nhỏ và mềm đưa qua động mạch đùi để đi đến động mạch tử cung hai bên. Chất gây tắc được bơm vào và làm tắc hai động mạch tử cung. Khối u xơ sẽ bị hoại tử vô trùng và teo nhỏ dần vì thiếu máu, trở thành sẹo nhỏ.
BS.CK2 Ngô Minh Tuấn cho biết kỹ thuật nút động mạch tử cung điều trị u xơ tử cung được ứng dụng tại nhiều bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước từ năm 2000 đến nay như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn, Bình Định, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện ĐHYD TPHCM, Trung tâm y khoa MEDIC …
Điều trị tắc mạch UAE có chỉ định khi u xơ tử cung gây đau bụng, rong kinh rong huyết, rối loạn tiểu tiện đại tiện…; kích thước u < 10cm (khuyến cáo) và bệnh nhân không muốn phẫu thuật. Nếu bệnh nhân chưa có con cần thảo luận với bác sĩ sản khoa trong việc lựa chọn nút động mạch tử cung hay phẫu thuật nội soi bóc nhân xơ.
U xơ tử cung quá to (>20cm), nằm dưới thanh mạc và có cuống, u to nằm dưới niêm mạc với diện tích bám vào cơ tử cung hẹp, bệnh nhân có viêm nhiễm phần phụ… là những trường hợp chống chỉ định với điều trị tắc mạch.
Ngoài ra, còn một số yếu tố cần xem xét khi chỉ định như: ưu tiên dưới 40 tuổi. Từ 40 tuổi trở lên cần xem xét các bệnh phối hợp, đặc biệt là bệnh ác tính.
U càng lớn thì thời gian đạt hiệu quả càng dài, khả năng phải thực hiện lần 2 càng cao và chi phí càng tốn kém. Trong điều kiện của Việt Nam, khuyến cáo áp dụng cho các u xơ có kích thước <10cm.
Ưu điểm của điều trị tắc mạch UAE: đây là thủ thuật an toàn và hiệu quả trong u xơ tử cung; ít đau khi so với phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn; không mất máu trong thủ thuật; không cần can thiệp vào ổ bụng; không cần gây mê toàn thân; thẩm mỹ cao vì không có vết mổ; thời gian trở lại làm việc bình thường ngắn, khoảng 6- 8 ngày (nếu phải mổ thì thời gian này từ 6-8 tuần).
Biến chứng trầm trọng ít khi xảy ra khi UAE, < 4% các trường hợp như nhiễm trùng và chấn thương tử cung, hình thành cục máu đông và tổn thương buồng trứng. Khoảng 1% nhiễm trùng tử cung phải cắt bỏ. Nhiễm trùng một số cơ quan vùng chậu có thể xảy ra nhưng chưa có trường hợp nào được báo cáo.
Một trường hợp u xơ tử cung (đã điều trị nội khoa 3 năm) được can thiệp tắc mạch
BS.CK2 Ngô Minh Tuấn kết luận: UAE điều trị u xơ tử cung là một phương pháp can thiệp nội mạch ít xâm nhập, được áp dụng rộng rãi trên thế giới gần 25 năm qua và tại Việt Nam trong 20 năm nay, đã thể hiện nhiều ưu điểm: là một kỹ thuật nhẹ nhàng, an toàn, hiệu quả cao, không phải phẫu thuật cắt tử cung, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh. Việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật này (UAE) là rất hợp lý và cần thiết.
Hội thảo còn có hai chuyên đề: “Chẩn đoán điều trị mạch máu ở trẻ em” do TS.BS Trần Chí Cường trình bày, và “Điều trị tim bẩm sinh” do ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Phó khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trình bày.
Hội thảo khoa học ngày 15/5 nằm trong chuỗi những hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ nhằm cập nhật, phổ biến các ứng dụng của can thiệp nội mạch, trong đó có tắc mạch (nút mạch) trong điều trị: dị dạng mạch máu não, phình mạch, điều trị u xơ tử cung… tại Đồng bằng sông Cửu Long.