Hen phế quản ở trẻ nhỏ: khái niệm, dấu hiệu, các biến chứng và cách chăm sóc

0
1423
Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh mãn tính thường gặp và gây tử vong hàng đầu trong các bệnh mãn tính ở trẻ em. Theo thống kê của tổ chức chuyên nghiên cứu về hen suyễn và dị ứng ở trẻ em trên toàn cầu, riêng ở TPHCM tỷ lệ trẻ bệnh hen là 29,1%, cao nhất ở vùng châu Á.

Hen phế quản ở trẻ em là gì?

Hen suyễn là tình trạng các đường thở trong phổi bị viêm mạn tính và hẹp lại. Tình trạng này lúc nào cũng hiện diện, ngay cả những khi trẻ cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Khi tiếp xúc với một số yếu tố kích thích, đường thở trẻ bị viêm và hẹp nhiều hơn, không khí đi vào phổi rất khó khăn.

Cơn hen cấp tính khiến phổi dễ bị xẹp, bị nhiễm trùng phổi kèm theo suy hô hấp, tổn thương não do thiếu oxy. Ở hen mãn tính, phế nang bị giãn, mất dần chức năng phổi, trẻ khó thở khi gắng sức, không tham gia được các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi như trẻ bình thường được.

Cơ chế bệnh sinh của hen suyễn có sự tham gia của 2 nhóm yếu tố. Yếu tố chủ thể gồm di truyền, cơ địa dị ứng, tăng đáp ứng phế quản, giới tính (trẻ nam), chủng tộc. Yếu tố môi trường gồm các chất gây dị ứng (phấn hoa, lông động vật như chó mèo, nấm mốc, bụi nhà, thức ăn), thay đổi thời tiết (từ trời nóng sang trời mưa, máy lạnh), ô nhiễm không khí (hóa chất công nghiệp, xăng dầu, khói thuốc lá), nhiễm trùng đường hô hấp (cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản), các yếu tố tâm lý (xúc động mạnh, vui buồn quá độ), vận động gắng sức…

Một số yếu tố như trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi, thuốc hạ sốt Aspirin cũng góp phần làm khởi phát và làm nặng cơn

Dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở trẻ em

Theo chiến lược toàn cầu xử trí và phòng ngừa hen phế quản của tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn chẩn đoán hen của Bộ Y tế, nếu có bệnh sử các triệu chứng hô hấp sau thì có thể cân nhắc chẩn đoán hen phế quản:

– Người bệnh có nhiều hơn một triệu chứng điển hình thuộc nhóm 4 triệu chứng điển hình KHÒ KHÈ, KHÓ THỞ, NẶNG NGỰC, HO (ở người lớn, ho đơn độc hiếm khi do hen)

– Các triệu chứng xảy ra thay đổi theo thời gian và cường độ

– Các triệu chứng thường nặng hơn về đêm hoặc lúc thức giấc

– Các triệu chứng thường bị kích phát bởi vận động, cười, dị nguyên, khí lạnh

– Các triệu chứng thường xuất hiện và trở nặng khi nhiễm vi rút.

Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em (dưới 6 tuổi) thường gặp khó khăn hơn người lớn, có thể cân nhắc chẩn đoán hen ở trẻ trong các trường hợp sau:

– Có khò khè kèm 1 trong các triệu chứng ho hay khó thở

– Các triệu chứng này tái phát thường xuyên

– Nặng hơn về đêm và sáng sớm

– Xảy ra khi gắng sức, cười, khóc hay tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí lạnh, thú nuôi….

– Xảy ra khi không có nhiễm khuẩn hô hấp (viêm mũi họng, viêm phế quản…)

– Có tiền sử dị ứng

– Có tiền sử gia đình có người bị hen dị ứng

– Có ran rít/ngáy khi nghe phổi

– Đáp ứng với thuốc điều trị hen

Biến chứng của hen phế quản trẻ em

Hen là bệnh mãn tính thường tiến triển từng đợt cấp, sau mỗi đợt, bệnh diễn biến nặng hơn và nguy hiểm hơn, hen còn có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Những biến chứng thường gặp của hen phế quản ở trẻ:

Xẹp phổi:Hơn 1/3 trẻ em nằm trong bệnh viện vì hen bị biến chứng xẹp phổi. Xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy là biến chứng gặp tỷ lệ khoảng 10% số bệnh nhân vào viện. Khi hen ổn định thì tình trạng xẹp phổi sẽ khỏi.

Nhiễm khuẩn phế quản:Thường là biến chứng ở các bệnh nhân bị hen mạn tính. Nhân các đợt chuyển mùa, các đợt rét, thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng, đường hô hấp dưới, gây các đợt cúm làm cho những triệu chứng bệnh hen nặng hơn.

Giãn phế nang đa tiểu thùy:Sự đàn hồi của các phế nang ở bệnh nhân hen giảm dần theo thời gian, thở ra ít, thể tích khí cặn tăng. Còn gọi là bệnh khí phế thũng.

Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Do các phế nang giãn rộng, tại vùng phế nang giãn, mạch máu thưa thớt, nuôi dưỡng kém, áp lực trong phế nang tăng. Khi phải làm việc gắng sức hoặc ho mạnh, thành phế nang dễ bị bục vỡ.

Tâm phế mạn tính: Thể hiện khó thở khi gắng sức, tím tái liên tục, đau vùng hạ sườn phải, gan có thể to hoặc mấp mé bờ sườn. Hen phế quản có khả năng phục hồi chức năng hô hấp, cho nên thời gian dẫn đến tâm phế mạn của từng bệnh nhân khác nhau, có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn.

Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não:Do tình trạng suy hô hấp kéo dài, đưa đến thiếu ôxy não. Có lúc ngừng tim, ngừng hô hấp trong các thể hen nặng. Những trường hợp này thường có cơn ngạt thở đột ngột, dẫn đến tăng CO2 trong máu và gây tình trạng toan hỗn hợp, rồi cuối cùng đưa đến hôn mê và tử vong.

Suy hô hấpThường chỉ gặp ở những bệnh nhân nằm viện, bị hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Bệnh nhân khó thở, tím tái liên tục, đôi khi ngừng thở, phải thở máy hỗ trợ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm do hen phế quản gây ra cho trẻ, việc chẩn đoán, điều trị sớm và xử trí kịp thời khi trẻ lên cơn suyễn là vô cùng quan trọng.

Chăm sóc trẻ mắc hen phế quản

Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc hen phế quản, có ba điểm các bậc phụ huynh cần nhớ: một là tránh cho trẻ tiếp xúc ô nhiễm từ môi trường mà quan trọng nhất là khói thuốc lá, hai là tránh lạm dụng kháng sinh, ba là nuôi dưỡng trẻ trong môi trường nhẹ nhàng an bình tránh các stress, căng thẳng.

Còn đối với việc ăn uống, đúng là thức ăn có thể gây cơn hen nhưng trên mỗi người mỗi khác, nguyên tắc là nếu ăn uống thứ gì mà sau đó trẻ thấy khó chịu, ho, khó thở, nổi mề đay chẳng hạn thì tức là trẻ đã dị ứng với thức ăn đó, như vậy sẽ phải tránh tuyệt đối. Còn nếu trẻ không có triệu chứng gì thì cứ ăn uống bình thường. Kiêng cữ tuyệt đối các thức ăn dị ứng như tôm cua cá biển là hoàn toàn không nên vì như thế trẻ sẽ suy dinh dưỡng, chỉ kiêng thứ nào trẻ dị ứng mà thôi.

Về điều trị hen cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý điều trị dự phòng và cắt cơn hen. Khi trẻ lên cơn, cần nhanh chóng cho trẻ sử dụng thuốc cắt cơn (tốt nhất ngay tại nhà) bằng các thuốc dạng hít hay xông khí dung. Bên cạnh đó cũng cần chú ý phát hiện các dấu hiệu cần đưa trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay. Đó là khi trẻ có một trong những biểu hiện sau: tím tái môi hay đầu ngón tay, thuốc cắt cơn không có tác dụng hay chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, trẻ nói năng khó ngọc, phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here