Người Hà Nội hoang mang khi xét nghiệm nhanh Covid-19

0
1342

Sống tại nơi có nhiều ca nhiễm nhất nước, nhiều người Hà Nội đã sẵn sàng xếp hàng dài chờ đợi xét nghiệm nhanh Covid-19. Tưởng chừng kết quả xét nghiệm âm tính sẽ giúp mình bớt lo lắng, thực tế người dân lại hoang mang khi đó chỉ là… “âm tính giả”!

Theo Tuổi Trẻ sáng ngày 8-4-2020, Bộ Y tế công bố 2 ca nhiễm Covid-19 mới đều lây lan trong cộng đồng đưa tổng số ca nhiễm ở Việt Nam lên 251. Trong đó, Hà Nội có số ca nhiễm cao nhất nước với 110 người tính đến thời điểm này.

Kể từ khi có các ca nhiễm cộng đồng đầu tiên xuất hiện ở Bệnh viện Bạch Mai, phương án dùng bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 (test nhanh coronavirus chủng mới) lại càng trở nên cấp bách hơn. Từ ngày 31-3, hàng ngàn người dân Hà Nội đã đổ xô đi đăng ký test nhanh để giải tỏa bớt cảm giác lo lắng. Thế nhưng, kết quả xét nghiệm trong thời gian qua lại chỉ gây ra nhiều hoang mang.

Hy vọng được xét nghiệm nhanh để bớt lo lắng


Người Hà Nội xếp hàng chờ xét nghiệm ở trường THCS Đống Đa. Ảnh: Giang Huy. Nguồn: VnExpress

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hà Nội khiến nhiều người dân thủ đô, đặc biệt là người thuộc nhóm F1, F2, F3 hy vọng vào cơ hội được xét nghiệm nhanh Covid-19. Theo Thanh Niên ngày 1-4-2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Bộ Y tế sẽ tăng cường cho Hà Nội 125.000 test nhanh bằng kit nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Hà Nội có hơn 16.000 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đang được cách ly, theo dõi tại nhiều quận nên số lượng người có nhu cầu xét nghiệm nhanh Covid-19 rất cao. Bên cạnh đó, nhiều người dân Hà nội cũng bày tỏ mong muốn được xét nghiệm Covid-19 để giảm bớt lo lắng.

Người Hà Nội được ưu tiên xét nghiệm nhanh Covid-19


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Ảnh: Giang Huy. Nguồn: VnExpress

Trong 2 ngày đầu tiên, Hà Nội ưu tiên test nhanh cho những người dân có lịch sử dịch tễ học liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trước để phòng ngừa Covid-19 lây lan cộng đồng. Nhiều nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm (trên 2000 người).

Sau đó, những người đã nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch (bao gồm cả các nước Đông Nam Á) sẽ được ưu tiên xét nghiệm nhanh Covid-19 miễn phí trước.

Tiếp theo, những người dân có biểu hiện triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ, người đang được cách ly và kể cả những người dân có nhu cầu cũng có thể được xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần theo thứ tự ưu tiên theo quy định.

Kết quả sơ bộ khi test nhanh hơn 2000 người tại Hà Nội

 

Theo Thanh Niên ngày 2-4-2020, Hà Nội đã công bố kết quả test nhanh trong 2 ngày 31-3 và 1-4 là 6 mẫu dương tính khi test nhanh tại Hà Nội đều âm tính khi xét nghiệm khẳng định.

Hà Nội đã xét nghiệm được cho 1.000 trường hợp, phát hiện 3 ca nghi nhiễm (dương tính với test nhanh). Tuy nhiên mẫu dịch mũi, họng của 3 ca nghi nhiễm gửi tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho kết quả âm tính.

Ngày 1-4, Hà Nội đã xét nghiệm thêm được 1.782 trường hợp và phát hiện thêm 3 ca nghi nhiễm, nhưng khi xét nghiệm khẳng định lại cũng cho kết quả âm tính.

Test nhanh Covid-19 là loại kit xét nghiệm nhập từ Hàn Quốc, dựa trên nguyên tắc phát hiện kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2 trong mẫu máu, cho kết quả trong 10 phút.

Hoang mang vì kết quả xét nghiệm nhanh


Mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Giang Huy. Nguồn: VnExpress

Khi nhận kết quả dương tính, không ít người hoang mang nghĩ đến những rủi ro tiềm ẩn về biến chứng Covid-19. Tuy nhiên, người nhận kết quả âm tính từ bộ kit xét nghiệm nhanh vẫn có thể nhiễm bệnh mà không phát hiện do phương pháp này chưa sàng lọc chuẩn như kỳ vọng.

Test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính

 

Nếu test nhanh Covid-19 bằng mẫu máu của một người cho kết quả dương tính có nghĩa là người đó có thể thuộc một trong ba trường hợp sau đây:

1. Người đang nhiễm SARS-CoV-2 (dương tính thật): Thông thường 7 – 10 ngày sau khi bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2, cơ thể người nhiễm có thể sản xuất kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2.

Nếu bạn thuộc trường hợp này, xét nghiệm khẳng định bằng real-time PCR cũng sẽ cho kết quả dương tính. Khi đó, bạn cần được cách ly và điều trị tại bệnh viện ngay. 

2. Người đã nhiễm SARS-CoV-2 nhưng hiện nay khỏi bệnh: Những người hồi phục sau khi bị lây nhiễm SARS-CoV-2 đều có kháng thể đặc hiệu với virus này trong máu. Tuy nhiên, virus đã hoàn toàn bị tiêu diệt tại thời điểm lấy mẫu.

Nếu bạn thuộc trường hợp này, xét nghiệm khẳng định bằng real-time PCR sẽ cho kết quả âm tính vì cơ thể hiện không nhiễm virus. Tuy nhiên, bạn vẫn cần khai báo, tự cách ly và cung cấp thông tin về những người đã tiếp xúc để kiểm soát dịch bệnh.

3. Người chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 (dương tính giả): Như nhà sản xuất đã khuyến cáo, test nhanh Covid-19 dựa trên phát hiện kháng thể có độ chính xác không cao. Nếu nồng độ kháng thể quá thấp hoặc trong cơ thể có một số loại kháng thể tương tự (đặc biệt là kháng thể với các chủng coronavirus khác) thì có thể xảy ra hiện tượng phản ứng miễn dịch chéo (cross-activity). Khi đó, kết quả trả về sẽ là dương tính nhưng lại là “dương tính giả”. Đây là một vấn đề sai số có thể gặp phải trong xét nghiệm kháng thể.

Nếu bạn thuộc trường hợp này, xét nghiệm khẳng định bằng real-time PCR sẽ cho kết quả âm tính vì thực tế, người đó chưa hề nhiễm virus mà chỉ dương tính do sai số.

Test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính

Nếu test nhanh Covid-19 bằng mẫu máu của một người cho kết quả âm tính có nghĩa là người đó có thể thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

1. Người chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và hiện nay cũng không nhiễm (âm tính thật): Trong máu của họ không có kháng thể đặc hiệu với virus này.

2. Người đang nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không phát hiện ra (âm tính giả): Nếu mới bị lây nhiễm SARS-Cov-2, test nhanh này không phát hiện được do cơ thể chưa sản xuất kháng thể trong vài ngày đầu. Một thời gian ngắn sau đó (thường là 5 – 7 ngày), lượng kháng thể sản xuất ra cũng còn rất ít. Nồng độ kháng thể thấp khiến test nhanh này không thể phát hiện được vì dưới ngưỡng độ nhạy.

Ngay cả khi nhận được kết quả âm tính do test nhanh, bạn cũng không nên chủ quan mà vẫn phải hoàn thành cách ly và giãn cách xã hội theo quy định. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, bạn nên liên hệ cơ quan y tế để xét nghiệm lại bằng phương pháp chuẩn sử dụng real-time PCR.

Người dân Hà Nội có cần xét nghiệm nhanh?


TP. Hà Nội tiến thành lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh của Hàn Quốc xét nghiệm nhanh Covid -19 cho người dân. Nguồn: VOV Giao thông

Ngay từ ngày đầu tiên tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, nhiều người dân Hà Nội tại các quận đã xếp thành hàng dài cách nhau 2 mét để được xét nghiệm nhanh Covid-19.

Tâm lý lo lắng mình tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 có thể khiến bạn cũng muốn đăng ký test nhanh ngay cho an tâm. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định để tránh hoang mang nhé.

Đối tượng xét nghiệm nhanh Covid-19

 

Những đối tượng lịch sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian khuyến cáo khá nhiều. Nguồn: VOV Giao thông

Đối với người dân Hà nội, mức độ cần thiết xét nghiệm nhanh Covid-19 còn tùy thuộc vào đối tượng cụ thể.

1. Người có lịch sử dịch tễ liên quan đến Covid-19 

Đây là những trường hợp có lịch sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai hoặc nhập cảnh sau khi trở về từ vùng dịch nước ngoài. Test nhanh Covid-19 có thể giúp phát hiện những người đã từng mắc Covid-19 và sàng lọc nhanh tìm ra những người hiện đang nhiễm Covid-19 (cơ thể đã sản xuất một lượng kháng thể nhất định).

Do tình trạng thiếu thốn trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên y tế hiện nay, số lượng xét nghiệm chuẩn sử dụng real-time PCR còn rất hạn chế. Test nhanh Covid-19 được kỳ vọng có thể giúp nhân viên y tế sàng lọc ca nghi nhiễm để ngăn ngừa tình trạng lây lan virus corona chủng mới này.

2. Người hiện đang có triệu chứng nghi ngờ

Nếu bạn có xuất hiện các triệu chứng coronavirus chủng mới như ho, sốt nhẹ, đau họng thì việc thực hiện test nhanh Covid-19 có thể hữu ích. Tuy độ chính xác chưa cao nhưng test nhanh này có thể phát hiện được các trường hợp nghi nhiễm nếu cơ thể đã tạo ra kháng thể sau nhiễm virus.

Hoang mang vì kết quả không chính xác



Người dân nhận ngay kết quả test Covid-19 trong vòng 10 phút, nếu kết quả âm tính được đi về ngay. Nguồn: VOV Giao thông  

Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Hàn Quốc, các chuyên gia rất dứt khoát và không sử dụng test nhanh Covid-19 trong công tác phòng dịch giai đoạn đầu. Độ chính xác của test nhanh này rất thấp nếu được sử dụng cho những người không có triệu chứng và những người mới bị nhiễm nhưng đang trong thời gian ủ bệnh.

Đây cũng là nguyên nhân tại sao người dân Hà Nội lại nhận kết quả “dương tính giả” hoặc “âm tính giả” khi thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 trong thời gian vừa qua.

• Dương tính giả: Kết quả dương tính giả có thể khiến cộng đồng vô cùng hoang mang, gây nên những rối loạn không cần thiết.

• Kết quả âm tính giả: Kết quả âm tính giả khiến nhiều trường hợp mới nhiễm virus và nhiễm virus nhưng đang ủ bệnh bị bỏ qua. Điều này sẽ khiến virus lây lan nhanh trong cộng đồng và cực kỳ nguy hiểm.

Thực tế, kit xét nghiệm nhanh Covid-19 dùng kháng thể được sử dụng rất hiệu quả ở đối tượng đã nhiễm bệnh để xác định khả năng phục hồi. Đồng thời, kit này còn giúp tìm ra các mẫu huyết tương giàu kháng thể để thử nghiệm chế tạo thuốc điều trị Covid-19. Xa hơn nữa, phương pháp test nhanh này giúp đánh giá quy mô dịch bệnh Covid-19 khoảng sau vài tháng khi dịch dần kết thúc.

Khi đưa vào sử dụng test nhanh với mục đích sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng tại thời điểm này, Hà Nội nên thận trọng. Chúng ta rà soát các ca nhiễm cộng đồng sớm để giảm bớt lo lắng, nhưng nếu vội vã dùng bộ kit xét nghiệm nhanh thì có thể khiến người dân thêm hoang mang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here