Home TIN COVID - 19 4 lưu ý giúp nhân viên y tế tránh lây nhiễm Covid-19

4 lưu ý giúp nhân viên y tế tránh lây nhiễm Covid-19

0
1355

Nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao khi thăm khám, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc người nhiễm coronavirus. Làm sao bạn có thể tránh lây nhiễm Covid-19 và bảo vệ sức khỏe của bản thân khi mang nặng gánh trách nhiệm của người “chiến sĩ” tuyến đầu đây? 

Tính đến ngày 1-4-2020, Việt Nam đã có 4 nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện nhiệt đới Trung ương bị nhiễm coronavirus (trong đó có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng viên). Hàng ngàn nhân viên y tế ở các quốc gia có dịch bùng phát cũng đang phải đứng trước rủi ro lây nhiễm Covid-19.

Là một quốc gia đứng đầu thế giới về số người tử vong do dịch Covid-19, Ý có 8.358 nhân viên y tế nhiễm coronavirus (chiếm 9% số ca nhiễm toàn quốc). Ý cũng đã mất đi 61 nhân viên y tế ưu tú vì không vượt qua được Covid-19. Tây Ban Nha hiện có khoảng 3.475 nhân viên y tế bị nhiễm coronavirus (chiếm 12% tổng số ca nhiễm Covid-19 của quốc gia này). 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân dương tính Covid-19 hoặc có nguy cơ phơi nhiễm cao cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Những lưu ý dưới đây là rất cần thiết giúp bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

1. Tránh lây nhiễm Covid-19 khi khám bệnh

Nhân viên y tế nên hết sức cẩn trọng ngay từ các khâu khám và chẩn đoán người bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Sàng lọc và phân loại bệnh nhân

Các cơ sở y tế cần đánh giá và phân nhóm bệnh nhân nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế, đặc biệt chú ý hai nhóm sau:

• Người có triệu chứng hô hấp cấp: Triệu chứng suy hô hấp cấp nặng có thể bao gồm sốt 38°C hoặc cao hơn, theo sau đó là ớn lạnh, run rẩy, đau cơ, đau đầu, ho khan và mệt mỏi.

• Người có nguy cơ nhiễm coronavirus: do có tiền sử tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm (người nhiễm Covid-19 thế hệ F1, F2, F3…).

Các cơ sở y tế cần cung cấp hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, khám sàng lọc chuẩn và giúp phân nhóm bệnh nhân để tách riêng người có nguy cơ nhiễm Covid-19. Nhờ đó, nhân viên y tế có thể điều trị riêng những bệnh nhân này khi có thiết bị bảo hộ ở mức cao hơn. Điều này sẽ giúp tránh nguy cơ lây chéo cho các nhân viên y tế trong suốt thời gian khám và điều trị Covid-19.

Mang thiết bị bảo hộ khi khám bệnh

Tùy mức độ phơi nhiễm cao hay thấp, nhân viên y tế sẽ được yêu cầu sử dụng các thiết bị bảo hộ theo quy định. Nhân viên y tế cần được cung cấp đầy đủ thông tin, cập nhật liên tục và diễn tập thường xuyên về các quy định an toàn.

Nhân viên y tế phụ trách nhiệm vụ lấy mẫu và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm chính là những người tiếp xúc với nhiều người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 nên cần mang các thiết bị bảo hộ sau đây:

  • Găng tay
  • Áo bảo hộ
  • Kính bảo hộ
  • Khẩu trang N95

2. Tránh lây nhiễm Covid-19 khi điều trị

Khi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn sau đây.

Mang dụng cụ bảo hộ

Nhân viên y tế cần đeo khẩu trang, mặc áo bảo hộ, đeo kính bảo hộ và găng tay theo quy định cho từng khu vực làm việc và vị trí làm việc.

Các nhân viên y tế, đặc biệt là người chưa có nhiều kinh nghiệm, cần được hướng dẫn cách mặc vào, cởi  ra và xử lý quần áo, kính bảo hộ sau khi sử dụng để tránh nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19.

Đảm bảo khoảng cách

Nhân viên y tế cần đảm bảo khoảng cách an toàn và bảo hộ tối đa khi tiếp xúc với bệnh nhân để phòng chống coronavirus lây lan.

Khi thực hiện các thủ thuật y tế và chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly áp lực âm, nhân viên y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ.

Rửa tay thường xuyên

Nhân viên y tế sử dụng dung dịch hoặc nước rửa tay sát khuẩn có chứa cồn trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, các vật liệu y tế có thể chứa virus.

Nhân viên y tế cần rửa tay trước khi mặc và sau khi cởi khẩu trang, kính bảo hộ, quần áo bảo hộ. Sau đó, bạn vẫn nên rửa tay với xà phòng và nước sạch nếu tay bị bẩn.

Khử trùng môi trường làm việc

Các khu vực chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là khu vực có thực hiện thủ thuật tạo khí dung hô hấp, cần được vệ sinh và khử trùng thường xuyên theo quy định phù hợp với việc phòng chống SARS-CoV-2.

3. Tránh lây bệnh khi có nguy cơ phơi nhiễm

Nếu phát hiện bản thân có nguy cơ phơi nhiễm với SARS-CoV-2 khi không mang các thiết bị bảo hộ, nhân viên y tế cần liên hệ với bộ phận kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở bệnh viện mình làm việc ngay để được cách ly theo quy định. Nếu có các triệu chứng thường gặp do nhiễm SARS-CoV-2 (ho, sốt, khó thở…) thì nhân viên y tế cần nghỉ làm và liên hệ ngay để được xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.

Nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 cao

Nếu tiếp xúc trực tiếp với F0 hoặc F1 có triệu chứng khi không mang các thiết bị bảo hộ, nhân viên y tế thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 cao.

Những nhân viên y tế thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 cao nên:

• Tạm ngưng mọi hoạt động khám, chữa bệnh cho bệnh nhân trong thời gian 14 ngày kể từ ngày phơi nhiễm (có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà không mang thiết bị bảo hộ).

• Nhân viên y tế cần xét nghiệm Covid-19 càng sớm càng tốt. Nếu kết quả dương tính, nhân viên y tế cần được cách ly và điều trị ngay.

• Nếu kết quả âm tính, nhân viên y tế vẫn cần cách ly 14 ngày. Trong trường hợp này, cơ quan mà nhân viên y tế làm việc cần tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho nhân viên y tế trong thời gian cách ly.

Nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 thấp

Nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 thấp cần lưu ý:

• Tự kiểm tra thân nhiệt và các triệu chứng hô hấp hàng ngày trong 14 ngày kể từ ngày có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19.

• Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như sốt, ho và khó thở thì cần liên hệ ngay với cơ quan nơi làm việc.

• Tăng cường các biện pháp phòng ngừa khi chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp và các bệnh nhân khác.

• Tăng cường các biện pháp phòng ngừa khi thực hiện thủ thuật tạo khí dung cho các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và nghi nhiễm SARS-CoV-2.

4. Tránh lây nhiễm Covid-19 khi đang cách ly

Nhiều nhân viên y tế thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao với SARS-CoV-2 trong nhiều tuần đã không thể trở về nhà mà phải sống trong các khu vực cách ly riêng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

• Điều kiện khu cách ly: Khu cách ly dành riêng cho những nhân viên y tế này cần được làm sạch và khử trùng. Nơi ở nên được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn y tế và có cách bố trí tiện lợi trong sinh hoạt và gần nơi làm việc để họ có thể đi làm hàng ngày.

• Nguồn cung cấp nhu yếu phẩm: Không chỉ có nguy cơ lây nhiễm khi làm việc tại bệnh viện, nhân viên y tế còn có nguy cơ bị lây nhiễm coronavirus từ nguồn bên ngoài. Vì thế, nguồn cung cấp thức ăn, nước uống, đồ dùng sinh hoạt cho nhân viên y tế tại nơi làm việc cần được kiểm tra kỹ.

Một số nhân viên của công ty Trường Sinh (công ty cung cấp thức ăn, nước uống) cho bệnh viện Bạch Mai phát hiện dương tính với coronavirus đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài cho các y tá, bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai. 

• Nguyên tắc hội họp: Ngoài ra, các cuộc họp hay hội thảo của nhân viên y tế cần thực hiện theo quy trình đảm bảo an toàn để tránh lây nhiễm Covid-19 do tiếp xúc gần.

Đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu đang ngày đêm thực hiện công tác phòng dịch, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc, đặc biệt là các bệnh nhân Covid-19. Các ban ngành ở địa phương cần đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên y tế để góp phần tránh lây lan Covid-19 diện rộng. Các chiến sĩ áo trắng đã hy sinh rất nhiều kể từ khi cuộc chiến coronavirus bắt đầu, chúng ta cần bảo vệ họ như chính sinh mạng của mình vậy!

NO COMMENTS