Bệnh COVID-19 ở nam giới nặng hơn ở nữ: Đúng hay sai?

0
1164

Vào tháng 2-2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã công bố nghiên cứu lớn nhất và toàn diện nhất về các trường hợp nhiễm coronavirus (đến thời điểm nghiên cứu). Trong đó, người ta phát hiện thấy tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn ở nữ dù cả 2 giới đều có số lượng người nhiễm gần bằng nhau. Kết quả này làm dấy lên nghi vấn bệnh COVID-19 ở nam giới có thể diễn tiến nặng hơn và dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn ở nữ.

Cụ thể, trong số 72.314 trường hợp được nghiên cứu có 2,8% người bệnh là nam giới đã tử vong vì COVID-19 còn con số này ở nữ là 1,7%. Còn tại Hoa Kỳ, hơn 10 tiểu bang và thành phố đã có báo cáo các trường hợp tử vong vì COVID-19 theo giới.

Tại thành phố New York, Michigan và Washington cũng có con số chênh lệch tương tự. Số nữ giới nhiễm coronavirus mới có tăng nhẹ nhưng phần lớn các trường hợp tử vong là ở nam giới. Ở Hàn Quốc, mặc dù tỷ lệ nữ giới có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 cao hơn nam giới thì khoảng 54% số ca tử vong được báo cáo vẫn là bệnh nhân nam.

Giới tính có ý nghĩa gì trong lịch sử các đại dịch không?

Đây không phải là lần đầu tiên các chủng coronavirus cho thấy sự “bất bình đẳng giới”. Sự khác biệt giữa số ca tử vong ở nam và nữ trong dịch SARS và MERS cũng đem lại nhận xét “bệnh ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn”.

Ngoài ra, người ta cũng ước tính có khoảng 50 triệu người đã tử vong trong đại dịch cúm năm 1918 (cúm Tây Ban Nha), trong đó số đàn ông trưởng thành tử vong cao hơn phụ nữ. Như vậy trước đây đã có tiền lệ, nhưng chúng ta vẫn chưa biết lý do chính xác tại sao COVID-19 ở nam giới có thể nguy hiểm vì dễ dẫn đến tử vong hơn so với nữ giới.

Ông Mitch Ryan Steele – Giáo sư trợ giảng y học lâm sàng về Bệnh thấp khớp, Dị ứng và Miễn dịch tại trường y Yale cho rằng sự khác biệt giới tính thể hiện ở tỷ lệ tử vong do COVID-19 phản ánh một trong nhiều khía cạnh mà chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ về căn bệnh này. Nhìn chung, bệnh COVID-19 ở nam giới có tiên lượng xấu thường là những người mang bệnh lý nền (mạn tính) như bệnh tim mạch, tiểu đường hay hen suyễn.

Tuy nhiên, tỷ lệ cao nam giới mắc các bệnh này trước khi nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ có thể là một phần của câu trả lời. Giáo sư Steele cho biết, ngay trong số những ca nhiễm coronavirus mới mà không có vấn đề về sức khỏe trước đó hay cả ở trẻ em thì bệnh COVID-19 ở nam giới có xu hướng diễn tiến nặng hơn. Điều này chỉ ra rằng sự khác biệt cơ bản trong phản ứng miễn dịch theo giới tính có thể đóng một vai trò lớn hơn chúng ta nghĩ.

Phản ứng của hệ miễn dịch

Kết luận từ các nghiên cứu về các loại virus khác (bao gồm cả các họ coronavirus khác) cho thấy nữ giới có xu hướng đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn nam giới trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm. Nghĩa là nữ giới có khả năng loại bỏ và giảm tải số lượng virus nhanh hơn khi nhiễm bệnh cùng lúc với nam giới. Tuy nhiên, chính điều này khiến phụ nữ có nhiều khả năng bị các bệnh/rối loạn tự miễn.

Phản ứng chậm hơn, kém hiệu quả hơn của hệ miễn dịch có thể là một trong những lý do tại sao bệnh COVID-19 ở nam giới nhìn chung lại có mức độ nặng hơn.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Sud cũng chỉ ra rằng miễn dịch là một vấn đề phức tạp với nhiều yếu tố. Khả năng miễn dịch của một cá nhân sẽ dựa trên tuổi tác lẫn tác động của các thói quen (như hút thuốc, uống rượu…) cũng như các vấn đề y tế khác và những loại thuốc họ đang dùng, chẳng hạn như người đang điều trị bằng hóa trị sẽ dễ bị các bệnh nhiễm bệnh nhiễm trùng hơn mà không chỉ là COVID-19.

Hormone

Một lý giải cho sự khác biệt miễn dịch của nam và nữ có thể là do hormone. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng miễn dịch với virus thay đổi theo sự thay đổi nồng độ hormone, xảy ra ở các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt và có thể bị ảnh hưởng khi uống thuốc tránh thai, trong khi mang thai và sau khi mãn kinh ở nữ giới. Do đó, nội tiết tố nữ có thể đóng 1 vai trò đáng kể khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nữ không nhiều như nam.

Trong khi hormone sinh dục nam testosterone ức chế viêm thì hormone sinh dục nữ estrogen có thể kích hoạt các tế bào liên quan đến phản ứng chống virus. Trong một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ (American Journal of Physiology), các tế bào trong mũi đã được điều trị bằng các hợp chất giống như estrogen trước khi cho tiếp xúc với virus cúm. Chỉ có các tế bào từ cá thể cái có phản ứng với các kích thích tố và chống lại virus.

Nhiễm sắc thể X

Trên lý thuyết, hệ miễn dịch của nữ có thể hoạt động khác với nam là do nhiễm sắc thể X thứ 2 mà nữ giới có. Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X (XX) trong khi nam giới chỉ có một (XY) và điều này được coi là có liên quan đến đáp ứng miễn dịch vì một số lượng đáng kể các gene điều chỉnh phản ứng miễn dịch của người được mã hóa trên nhiễm sắc thể X.

Tiến sĩ Sud cho biết vẫn cần thêm rất nhiều phân tích để kết luận về vai trò của nhiễm sắc thể trong thống kê tỷ lệ bệnh COVID-19 ở nam giới nặng hơn ở nữ.

Lối sống không lành mạnh

 

 

Một giả thuyết khác cho rằng nam giới có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tử vong vì bệnh cao hơn là do tỷ lệ hút thuốc ở nam cao hơn nữ – theo tiến sĩ Bhanu Sud, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế St. Jude ở quận Cam, California, Mỹ.

Hút thuốc là một trong những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy giảm, nghĩa là khả năng phòng vệ miễn dịch của người hút thuốc sẽ suy yếu. Đáng chú ý là gần 50% nam giới ở Trung Quốc có hút thuốc, còn con số đó ở phụ nữ là 3%, theo thông tin từ một bài báo năm 2019 được công bố trên tạp chí Translational Lung Cancer Research.

Một nghiên cứu khác từ Trung Quốc được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 28-2-2020 cho thấy người hút thuốc chiếm khoảng 26% số bệnh nhân nằm tại khoa hồi sức tích cực hoặc tử vong vì virus corona mới. Khi nói đến cơ chế lây nhiễm virus, người hút thuốc có nguy cơ cao mắc triệu chứng COVID-19 nặng hơn do họ tiếp xúc miệng thường xuyên mà không vệ sinh tay. Thêm vào đó, người hút thuốc cũng hay có thói quen chuyền nhau hút cùng một điếu thuốc.

Ngoài ra, rửa tay bằng xà phòng được coi là biện pháp hiệu quả nhất về chi phí để kiểm soát, giảm nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đã có những nghiên cứu cho thấy nam giới có xu hướng giữ vệ sinh tay kém hơn nữ.

Một nghiên cứu ở Mỹ năm 2009 chỉ ra có 31% nam giới rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, còn con số ở nữ là 65%. Phụ nữ cũng có xu hướng sử dụng xà phòng khi rửa tay, còn các quý ông thường chỉ dùng nước.

Tổng kết

 

Theo giáo sư Steele, nền y học thế giới hiện nhận thức được rằng những biến chứng của COVID-19 là do phản ứng viêm quá mức xảy ra sau những tổn thương ban đầu khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc cân bằng giữa quá trình chống nhiễm trùng và điều chỉnh phản ứng miễn dịch để ngăn ngừa các tổn hại nặng hơn, có tính đến tình trạng bệnh lý và sự khác biệt về sinh học như giới tính có thể gợi ý phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả cho COVID-19.

Tuy nhiên, trong nỗ lực điều chế vắc-xin và thuốc hiện tại, chúng ta cần cố gắng thực hiện phòng ngừa COVID-19 và chấp hành các chủ trương của nhà nước. Cho dù bạn ở độ tuổi và giới tính nào, hãy cố gắng tránh xa các thói quen có hại cho sức khỏe cũng như thường xuyên tập luyện thể dục và bổ sung dưỡng chất cần thiết.

Thông tin liên hệ khi nghi ngờ mắc COVID-19

Nếu bạn cảm thấy không khỏe hay xuất hiện các triệu chứng COVID-19 như sốt, khó thở, ho khan kéo dài và có nghi ngờ tiếp xúc gần với các nguồn lây, thay vì trực tiếp đến trung tâm y tế gần nhất, bạn nên tự cách ly với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, hãy nhanh chóng liên hệ qua số điện thoại 1900 9095 hoặc 1900 3228 để tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể liên lạc bằng hotline của các bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm COVID-19:

  • Bệnh viện E | Hà Nội: 091 216 8887
  • Bệnh viện Bạch Mai | Hà Nội: 096 985 1616
  • Bệnh viện Vinmec Hà Nội | Hà Nội: 093 447 2768
  • Bệnh viện Nhi trung ương | Hà Nội: 037 288 4712
  • Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội | Hà Nội: 090 413 8502
  • Bệnh viện Phổi trung ương | Hà Nội: 096 794 1616
  • Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương | Hà Nội: 096 924 1616
  • Bệnh viện tỉnh Thái Bình | Thái Bình: 098 950 6515
  • Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn | Lạng Sơn: 039 680 2226
  • Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí | Quảng Ninh: 096 668 1313
  • Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên | Thái Nguyên: 091 339 4495
  • Bệnh viện Trung ương Huế | Huế: 096 530 1212
  • Bệnh viện Đà Nẵng | Đà Nẵng: 090 358 3881
  • Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa | Khánh Hòa: 096 537 1515
  • Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa | Khánh Hòa: 091 346 4257
  • Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ | Cần Thơ: 090 773 6736
  • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai | Đồng Nai: 081 963 4807
  • Bệnh viện Nhi đồng 1 | Hồ Chí Minh: 091 311 7965
  • Bệnh viện Nhi đồng 2 | Hồ Chí Minh: 079 842 9841
  • Bệnh viện Chợ Rẫy | Hồ Chí Minh: 096 987 1010
  • Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM | Hồ Chí Minh: 096 734 1010

Mặt khác, bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương đang sống để nhanh chóng được hỗ trợ về những cách xử lý phù hợp.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here