SARS-CoV-2: hệ miễn dịch “đánh bại” coronavirus chủng mới bằng cách nào?

0
993

Bạn có biết một số người mắc COVID-19 thường có biểu hiện rất nặng, nhưng có người lại có các triệu chứng coronavirus chủng mới khá nhẹ và thường khỏi trong thời gian ngắn. Theo một số nghiên cứu, hệ miễn dịch ở những người khỏe mạnh có thể chống lại virus gây bệnh trong vòng vài ngày. 

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Tự nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne thuộc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Úc đã phác thảo cách hệ miễn dịch của con người phản ứng với coronavirus chủng mới.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ở một trong những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở Úc. Đây là một phụ nữ 47 tuổi, đã từng đến Vũ Hán, Trung Quốc.

Người phụ nữ này đã có các triệu chứng coronavirus chủng mới từ nhẹ đến trung bình và không có bất kì vấn đề sức khỏe nào. Sau một thời gian điều trị, cô ấy đã khỏi bệnh. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học quan tâm đến việc tìm hiểu làm thế nào một hệ thống miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh có thể phản ứng với virus SARS-CoV-2.

Giáo sư Kinda Kedzierska cho rằng: “Mặc dù COVID-19 là do một loại virus mới gây ra, nhưng ở một người khỏe mạnh, phản ứng miễn dịch mạnh mẽ giữa các loại tế bào có liên quan đến khả năng cơ thể phục hồi, tương tự như cách cơ thể phản ứng với bệnh cúm”.

Hệ miễn dịch phản ứng với coronavirus chủng mới như thế nào?

Kháng thể trung hòa là một loại kháng thể của phản ứng miễn dịch tuyến đầu. Những kháng thể này là các protein được tiết ra bởi các tế bào miễn dịch (lympho B) khi chúng gặp một kẻ xâm lược, chẳng hạn như virus.

Các kháng thể sẽ nhận biết và liên kết với các protein trên bề mặt của các hạt virus (còn gọi là phần tử virus – virus particle). Đối với mỗi loại nhiễm trùng, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể đặc hiệu cao cho từng mầm bệnh xâm nhập cụ thể.

Ví dụ, mỗi virus SARS-CoV-2 được bao phủ bởi các protein spike. Các protein này như một “chiếc chìa khóa” để virus có thể xâm nhập vào các tế bào. Bằng cách nhắm vào các protein spike, các kháng thể có thể khiến virus gần như không thể xâm nhập vào tế bào người. Các nhà khoa học gọi những loại kháng thể này là “NAbs” vì chúng vô hiệu hóa virus trước khi nó có thể xâm nhập.

Ở lần nhiễm đầu tiên, các tế bào lympho B sẽ tự sản xuất NAbs và “ghi nhớ” hình dáng của virus. Nếu các virus này lại xâm nhập cơ thể một lần nữa, tế bào lympho B sẽ hoạt động và nhanh chóng tiết ra một lượng lớn NAbs mạnh, ngăn ngừa bệnh diễn ra.

Vắc-xin đã tận dụng cơ chế hoạt động này, kích thích phản ứng miễn dịch một cách an toàn. Sau đó, hệ miễn dịch sẽ “ghi nhớ” và có thể chống lại mầm bệnh thực sự nếu bạn gặp phải.

Miễn dịch thụ động là một quá trình trong đó bác sĩ sẽ sử dụng các kháng thể trung hòa từ một người khác để bảo vệ hoặc điều trị cho người bệnh.

Vì sao coronavirus chủng mới ảnh hưởng khác nhau tới mỗi người?

Một số người khi nhiễm COVID-19 sẽ có triệu chứng nhẹ, nhưng cũng có người phải cần đến máy trợ thở hoặc tử vong vì COVID-19. Đặc biệt, những người có bệnh nền hoặc người cao tuổi dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus. Tại sao lại như vậy?

Nhà nghiên cứu virus học Angela Rasmussen trả lời phỏng vấn cho tờ The Scientist: “Vẫn sẽ mất rất nhiều thời gian để hiểu được cơ sở sinh học, cơ học về lý do tại sao một số người bị ảnh hưởng virus nghiêm trọng hơn nhiều so với những người khác”.

Theo các chuyên gia, các yếu tố di truyền có thể góp phần vào việc hệ miễn dịch có chống lại được virus hay không. Họ nghi ngờ các biến thể miễn dịch có thể là do di truyền, khiến cơ thể không đủ sức chiến đấu với coronavirus chủng mới và người bệnh sẽ có triệu chứng bệnh nặng hơn

Trong một số trường hợp, bác sĩ phát hiện người bệnh có viêm phổ mô kẽ liên quan đến virus SARS-CoV-2, nguyên nhân chủ yếu là do sự phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng bệnh COVID-19 của mỗi người còn phụ thuộc vào lượng virus xâm nhập vào cơ thể.

Thực tế, chúng ta không thể biết chắc coronavirus chủng mới ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể của mình. Chỉ đến khi nhiễm bệnh, bác sĩ sẽ xác định được mức độ của bệnh. Do đó, việc phòng ngừa COVID-19 là điều hết sức cần thiết để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Nếu bạn cảm thấy không khỏe và có nghi ngờ tiếp xúc gần với các nguồn lây, thay vì trực tiếp đến trung tâm y tế gần nhất, bạn nên tự cách ly với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, hãy nhanh chóng liên hệ qua số điện thoại 1900 9095 hoặc 1900 3228 để tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể liên lạc bằng hotline của các bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm COVID-19:

  • Bệnh viện E | Hà Nội: 091 216 8887
  • Bệnh viện Bạch Mai | Hà Nội: 096 985 1616
  • Bệnh viện Vinmec Hà Nội | Hà Nội: 093 447 2768
  • Bệnh viện Nhi trung ương | Hà Nội: 037 288 4712
  • Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội | Hà Nội: 090 413 8502
  • Bệnh viện Phổi trung ương | Hà Nội: 096 794 1616
  • Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương | Hà Nội: 096 924 1616
  • Bệnh viện tỉnh Thái Bình | Thái Bình: 098 950 6515
  • Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn | Lạng Sơn: 039 680 2226
  • Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí | Quảng Ninh: 096 668 1313
  • Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên | Thái Nguyên: 091 339 4495
  • Bệnh viện Trung ương Huế | Huế: 096 530 1212
  • Bệnh viện Đà Nẵng | Đà Nẵng: 090 358 3881
  • Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa | Khánh Hòa: 096 537 1515
  • Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa | Khánh Hòa: 091 346 4257
  • Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ | Cần Thơ: 090 773 6736
  • Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai | Đồng Nai: 081 963 4807
  • Bệnh viện Nhi đồng 1 | Hồ Chí Minh: 091 311 7965
  • Bệnh viện Nhi đồng 2 | Hồ Chí Minh: 079 842 9841
  • Bệnh viện Chợ Rẫy | Hồ Chí Minh: 096 987 1010
  • Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM | Hồ Chí Minh: 096 734 1010

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here