Trĩ ngoại: Không bệnh hãy phòng ngừa, có bệnh không ngại ngùng điều trị

0
1357
Hiện nay, bệnh trĩ ngày càng phổ biến theo sự gia tăng của lối sống tĩnh tại. Bệnh có mức độ ảnh hưởng đến nam và nữ như nhau. Bệnh rất hiếm gặp ở người dưới 20 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong độ tuổi từ 45 đến 65 tuổi. Ước tính bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai có thể lên tới 35%. Khi mắc phải bệnh trĩ, người bệnh có thể chỉ hơi khó chịu hoặc bất tiện. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân bị đau nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý xã hội. Không may là bệnh lý này ở vùng kín, nên vấn đề xấu hổ gây ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian tiếp cận điều trị.

 

1. Trĩ và trĩ ngoại là gì?

  • Trước đây người ta hiểu đơn giản trĩ là sự giãn và phình các tĩnh mạch tạo thành các búi. Nhưng hiện nay các nghiên cứu mới cho thấy rõ hơn bản chất của bệnh trĩ. Đây là các bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn.
  • Cơ chế chủ yếu là sự gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục. Điều này sẽ dẫn đến phình giãn hệ thống mạch máu và tạo các búi trĩ trong ống hậu môn.
  • Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu. Các mạch máu bị sa dần ra thành hậu môn tạo thành trĩ.
  • Chúng có thể ở dưới da bao quanh lỗ hậu môn được gọi là trĩ ngoại. Hoặc là nằm ở phía trong trực tràng dưới được gọi là trĩ nội.
  • Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về một khía cạnh của bệnh trĩ: trĩ ngoại.

2. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh trĩ là gì?

Các yếu tố làm tăng áp lực trong khoang bụng hoặc chậm di chuyển phân là nguy cơ tạo trĩ. Có thể bao gồm:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy làm tăng tần suất bệnh trĩ. Rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng giãn và ứ máu.
  • Chế độ ăn ít chất xơ làm tăng tần suất bệnh trĩ.
  • Thừa cân và béo phì làm gia tăng tần suất bệnh.
  • Gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người thường xuyên lao động nặng. Ví dụ như: Khuân vác, vận động viên cử tạ, quần vợt…Đứng lâu, ngồi nhiều như: thư ký, thợ may, nhân viên bán hàng. Gia tăng áp lực ổ bụng cản trở hồi lưu máu về tim đưa đến giãn tĩnh mạch hậu môn.
  • U vùng tiểu khung bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung và thai nhiều tháng làm cản trở hồi lưu máu trở về tim gây giãn tĩnh mạch. Tĩnh mạch vùng hậu môn giãn tạo thành trĩ.

3. Nguyên nhân của trĩ ngoại là gì?

Tĩnh mạch xung quanh hậu môn có xu hướng căng dưới áp lực và có thể phồng lên, sung huyết. Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng do:

  • Rặn khi đi cầu
  • Ngồi lâu trên bồn cầu
  • Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
  • Béo phì
  • Mang thai
  • Giao hợp qua đường hậu môn
  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ nên lỏng lẻo và nhão dần.

4. Triệu chứng của trĩ ngoại là gì?

Bệnh trĩ ngoại có dấu hiệu ban đầu cũng giống như trĩ nội và trĩ tổng hợp:

  • Đi ngoài ra máu, thường là máu đỏ tươi. Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Đồng thời cũng là lý do khiến bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế khám bệnh. Bệnh trĩ không phải luôn luôn đi ngoài ra máu. Nhiều người bị bệnh trĩ mà không có triệu chứng này. Vì vậy đây là một dấu hiệu cho thấy bạn có tình trạng này, nhưng không chắc chắn bạn nói.
  • Có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn.
  • Đau rát hậu môn. Cảm giác đau thường âm nghỉ cả ngày,nhất là khi ngồi. Đặc biệt đau tăng cao khi đi vệ sinh, khi rặn. Triệu chứng này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
  • Đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn. Tùy mức độ bệnh trĩ mà búi trĩ có thể bộc lộ ra ngoài khác nhau.
  • Các triệu chứng trĩ này đều xuất hiện vào giai đoạn sớm của bệnh trĩ. Chúng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Các triệu chứng đặc biệt của trĩ ngoại:

  • Búi trĩ ngoại loét. Búi trĩ ngoại sa ra ngoài có thể bị va chạm, chảy máu, loét. Thậm chí có nguy cơ bị nhiễm trùng, hoại tử.
  • Cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ ngoại, cơn đau xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng.
  • Đau liên tục. Đặc biệt khi va chạm do búi trĩ lộ ra ngoài.
Đau là triệu chứng khó chịu của trĩ ngoạia

5. Biến chứng của trĩ ngoại là gì?

  • Thiếu máu do mất máu mạn tính qua búi trĩ. Mất máu do trĩ xảy ra rỉ rả từng chút, lâu dài. Thậm chí có thể thiếu máu nghiêm trọng mà bệnh nhân còn chưa nhận biết.
  • Nghẹt búi trĩ. Nếu búi trĩ sa và bị mắc kẹt làm cho mạch máu máu cung cấp cho búi trĩ bị tắc. Lúc này triệu chứng đau sẽ rất rõ ràng. Khi ấn nhẹ vào sẽ cảm giác lộm cộm do có cục máu đông. Búi trĩ nghẹt có thể hoại tử.
  • Tắc mạch. Là tình trạng hình thành cục máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ. Mạch máu bị giãn và ứ máu tạo điều kiện thuận lợi hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Tắc mạch trĩ ngoại sẽ thấy khối phồng nhỏ màu xanh, đi kèm cảm giác đau rát khi sờ, căng. Tắc mạch trong trĩ nội thì có cảm giác đau sâu và triệu chứng không rầm rộ như trĩ ngoại.
  • Viêm da quanh hậu môn, viêm nhú và viêm khe. Da giữa các búi trĩ bị loét gây triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát.

6. Phân độ trĩ ngoại

Trĩ ngoại không phân biệt cấp độ , độ trĩ chỉ áp dụng cho bệnh trĩ nội mà thôi. Khi đại tiện, chảy máu nhiều hay ít cũng không thể phản ánh chính xác bệnh trĩ nặng hay nhẹ.

7. Chẩn đoán bệnh trĩ ngoại như thế nào?

Các triệu chứng của bệnh trĩ có thể bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa dưới và ung thư trực tràng. Hơn nữa, bệnh trĩ cũng có thể biểu hiện của một số bệnh lý hệ thống. Vì vậy trước khi can thiệp điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán sau:

  • Khám lâm sàng, khai thác triệu chứng cơ năng, tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình
  • Nội soi nhằm xác định chân búi trĩ. Ngoài ra còn loại trừ các khả năng khác như polyp đại tràng và ung thư trực tràng.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ cần sinh thiết mô để xác định bản chất bệnh.

Hầu hết các trường hợp bị trĩ đều có biểu hiện thực thể và triệu chứng cơ năng điển hình. Phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất là thăm khám lâm sàng và nội soi trực tràng – hậu môn.

8. Phương pháp điều trị bệnh trĩ ngoại là gì?

Giảm triệu chứng khó chịu của trĩ ngoại

Giảm đau và ngứa vùng hậu môn

  • Tắm nước ấm. Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm trong khoảng 20 phút/lần, thực hiện 2 – 3 lần/ngày. Sau đó, lau khô nhẹ nhàng vùng hậu môn bằng vải hoặc khăn mềm, không chà xát vùng hậu môn.
  • Kem bôi búi trĩ. Một số loại kem bôi có thể giảm triệu chứng đau, ngứa do bệnh trĩ gây ra. Tuy nhiên, sử dụng kem bôi phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Chườm đá. Chườm đá tại búi trĩ cũng giúp bớt sưng, phù nề tại vị trí búi trĩ.

Giảm triệu chứng đau khó chịu

  • Ngồi xổm khi đi vệ sinh. Tư thế ngồi xổm giúp trực tràng tống phân ra ngoài thuận tiện hơn. Đây là tư thế tốt nhất cho người mắc bệnh trĩ khi đi vệ sinh. Nếu không muốn đặt chân lên bồn cầu, có thể kể một chiếc ghế kê chân cao lên.
  • Sử dụng ghế đệm. Ngồi trên bề mặt mềm thay vì cứng sẽ giảm sưng cho người bị bệnh trĩ. Giúp vừa hạn chế hình thành các búi trĩ mới vừa giảm chấn thương, đau búi trĩ.
  • Vệ sinh hậu môn sạch sẽ. Người bệnh trĩ ngoại nên vệ sinh hậu môn sạch sẽ hằng ngày bằng nước ấm, xà phòng dịu nhẹ. Sau đó lau khô hoặc dùng máy sấy thổi nhẹ để làm khô.
  • Chọn quần vải mềm và thông thoáng. Khu vực hậu môn thông thoáng, không gây áp lực lên búi trĩ, tránh làm bệnh trĩ nặng hơn.

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc uống có tác dụng tăng tính thẩm thấu, tăng độ vững bền thành mạch. Chúng giúp giảm sưng, phù nề, cầm máu và co búi trĩ.
  • Sử dụng thuốc giảm đau uống. Cần tuân theo y lệnh của bác sĩ, tránh tự mua thuốc uống.
  • Thuốc đặt hoặc thuốc bôi có tác dụng tại chỗ: giảm đau, giảm ngứa, sát trùng, chống viêm.

Khi sử dụng thuốc điều trị trĩ ngoại, cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài điều trị bệnh trĩ còn phải điều trị bệnh nền của bệnh nhân. Nhất là các bệnh gây triệu chứng liên quan tới trĩ. Ví dụ: thuốc trị táo bón, bệnh đường ruột, thuốc kháng viêm, giảm đau,… để đảm bảo thu được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Điều trị phẫu thuật

  • Trĩ ngoại không được khuyên nên điều trị bằng phẫu thuật từ đầu. Trừ khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, bị nhiễm trùng, sưng tấy, thậm chí lở loét.
  • Hiện có nhiều phương pháp ngoại khoa điều trị bệnh trĩ. Có thể gồm: chích xơ, đốt, thắt dây thun, phẫu thuật cắt trĩ,… Tùy theo tình trạng từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cho chỉ định khác nhau.

9. Cách phòng ngừa trĩ ngoại hiệu quả?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, để chúng vượt qua dễ dàng. Để ngăn ngừa bệnh trĩ và giảm các triệu chứng của bệnh trĩ, hãy làm theo các mẹo sau:

  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Làm như vậy để làm mềm phân. Điều này sẽ giúp bạn tránh được sự tăng áp lực ổ bụng do táo bón gây ra bệnh trĩ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống để tránh bị vấn đề sinh hơi, ứ khí làm chướng bụng.
  • Đi ngay khi bạn cảm thấy mắc đi cầu. Nếu bạn trì hoãn, nhu động ruột và cảm giác đi cầu biến mất. Phân của bạn có thể bị khô và khó rặn ra ngoài hơn.
  • Tập thể dục. Duy trì hoạt động để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch. Tập thể dục cũng có thể giúp bạn giảm cân thừa có thể góp phần vào bệnh trĩ.
  • Tránh ngồi lâu. Ngồi quá lâu, có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.

Trĩ ngoại là bệnh rất thường gặp nhưng lại ít khi được chủ động đi khám sớm do tâm lý. Bệnh tuy ít gây nguy hiểm nhưng có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu. Trĩ ngoại gây ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày rất đáng kể. Ưu tiên hàng đầu là đi khám sớm khi phát hiện triệu chứng. Tự chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ và tuân thủ điều trị của bác sĩ là chìa khóa kiểm soát triệu chứng trĩ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here