Ung thư đường mật: Bệnh nguy hiểm gây vàng da

0
1476

Đường mật là ống nhánh nối gan và túi mật với ruột non. Nó có nhiệm vụ giúp mật từ gan đi đến ruột để phục vụ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Các tế bào bất thường có thể xuất hiện ở đường mật do đột biến ADN, gây ra bệnh ung thư đường mật.

Cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị căn bệnh này trong bài viết sau.

Tổng quan về ung thư đường mật

Ung thư đường mật (còn gọi là ung thư ống mật) là loại ung thư hình thành trong các ống dẫn mật – hệ thống giúp dẫn lưu mật dịch tiêu hóa. Ung thư đường mật là một dạng ung thư hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở những người trên 50 tuổi.

Bệnh được chia làm 3 loại khác nhau dựa trên vị trí khối u:

  • Ung thư đường mật trong gan: Xảy ra ở phần đường mật nằm trong gan. Đây là loại ít phổ biến nhất, chỉ chiếm dưới 10% trong tất cả các trường hợp mắc bệnh.
  • Ung thư đường mật hilar (hay ung thư đường mật perihilar): Xảy ra trong các ống mật ngay bên ngoài gan. Đây là loại thường gặp nhất, chiếm tới hơn một nửa trường hợp.
  • Ung thư đường mật xa: Xảy ra ở phần ống mật gần ruột non.

Ung thư đường mật là dạng ung thư phát triển chậm. Vì vậy người bệnh thường chỉ đến bệnh viện khi ống dẫn mật đã bị khối u phát triển gây tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Triệu chứng ung thư đường mật

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư đường mật bao gồm:

  • Vàng da và lòng trắng mắt
  • Ngứa da dữ dội
  • Phân có màu trắng
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Giảm cân không chủ ý

Nguyên nhân gây ung thư đường mật

Các đột biến ADN xảy ra trong tế bào ống mật là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh ung thư này. ADN chứa thông tin hướng dẫn cho mọi quá trình hóa học trong cơ thể. Do đó, đột biến ADN sẽ làm thay đổi hướng dẫn, khiến các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành các khối u ung thư.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư ống mật bao gồm:

  • Viêm xơ chai đường mật nguyên phát (Primary sclerosing cholangitis – PSC): Căn bệnh này gây ra tình trạng xơ cứng và sẹo ở ống mật.
  • Bệnh gan mãn tính: Các mô sẹo ở gan do bệnh gan mãn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư ống mật.
  • Các vấn đề về ống mật bẩm sinh: Những người bẩm sinh bị u nang đường mật có nguy cơ mắc ung thư đường mật cao hơn người bình thường.
  • Ký sinh trùng ở gan: Ung thư ống mật thường liên quan đến bệnh sán lá gan (do người bệnh ăn phải thức ăn hoặc nước uống có chứa trứng hoặc ấu trùng sán).
  • Tuổi tác: Bệnh xảy ra phổ biến nhất ở người trên 50 tuổi.
  • Hút thuốc: Thói quen hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư.

Chẩn đoán ung thư

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh và kiểm tra các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Nếu nghi ngờ bạn bị ung thư đường mật, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứngcủa bạn.

Xét nghiệm chất chỉ dấu khối u

Xét nghiệm này dùng để kiểm tra nồng độ kháng nguyên ung thư (cancer antigen – CA) 19-9 trong máu, giúp bác sĩ có thêm dữ liệu để đưa ra chẩn đoán. Tế bào ung thư ống mật có thể sản xuất ra nhiều CA 19-9. Tuy nhiên, nồng độ CA 19-9 cao không có nghĩa là bạn bị ung thư, vì các vấn đề về ống mật khác, chẳng hạn như viêm ống mật và tắc nghẽn ống mật cũng có thể cho ra kết quả tương tự.

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Phương pháp này sử dụng một ống mảnh có gắn camera truyền vào cổ họng, qua đường tiêu hóa đến ruột non. Hình ảnh từ camera sẽ giúp bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở khu vực tiếp nối giữa ống mật và ruột non.

Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh có thể giúp bác sĩ quan sát và phát hiện được các bất thường thông qua ảnh chụp. Các kỹ thuật thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư đường mật bao gồm chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP).

Sinh thiết

Sinh thiết là thủ tục lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu vùng cần kiểm tra nằm​ gần vị trí ống mật nối với ruột non, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết trong quá trình làm xét nghiệm ERCP. Nếu vùng cần kiểm tra nằm ​ở ​trong hoặc gần gan, bác sĩ có thể lấy mẫu mô bằng cách sử dụng một cây kim dài chuyên dụng đâm xuyên qua da đi vào khu vực bị ảnh hưởng.

Cách lấy mẫu sinh thiết có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị ung thư sau này. Ví dụ: Nếu bác sĩ lấy mẫu sinh thiết bằng cách chọc hút kim nhỏ (FNA), bạn sẽ không đủ điều kiện để thực hiện ghép gan.

Điều trị ung thư đường mật

Ung thư đường mật có thể được điều trị bằng phương pháp hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp quang động và dẫn lưu đường mật.

Phẫu thuật cắt bỏ

Trong phương pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều tế bào ung thư càng tốt. Trong trường hợp khối u có kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ loại bỏ một phần ống mật chứa khối u và nối 2 đầu cắt lại với nhau. Đối với khối u tiến triển, bác sĩ sẽ cân nhắc loại bỏ các mô gan, mô tụy và hạch bạch huyết gần đó.

Ghép gan

Người bệnh có thể được ghép gan để điều trị ung thư, đặc biệt là đối với trường hợp ung thư đường mật hilar. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tiềm ẩn nguy cơ ung thư tái phát.

Hóa trị và xạ trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng trước khi tiến hành ghép gan hoặc giúp giảm các triệu chứng ở ung thư ống mật giai đoạn muộn.

Trong khi đó,xạ trị là phương pháp sử dụng các nguồn năng lượng cao, chẳng hạn như photon (tia X) và proton, để phá hủy hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư.

Liệu pháp quang động

Liệu pháp quang động là sự kết hợp giữa một hóa chất nhạy cảm với ánh sáng và một loại ánh sáng thích hợp để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này có thể giúp làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự phát triển ung thư. Một lưu ý nhỏ là bạn cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau khi điều trị.

Dẫn lưu đường mật

Dẫn lưu đường mật là thủ tục giúp khôi phục lại dòng chảy của mật. Phương pháp này cũng giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư.

Phòng tránh ung thư đường mật

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đường mật bằng các biện pháp đơn giản sau:

Bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư ống mật cũng như các bệnh ung thư khác. Do đó, nếu có thói quen hút thuốc lá, bạn nên tìm cách để cai thuốc ngay. Nếu đã thử bỏ hút thuốc nhưng không thành công, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.

Giảm các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan

Rủi ro ung thư ống mật có thể tăng lên nếu bạn mắc phải các bệnh về gan mãn tính. Do đó, việc bạn chăm sóc gan và thực hiện các biện pháp để giảm thiếu nguy cơ mắc bệnh gan là rất cần thiết. Bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia, duy trì cân nặng ở mức hợp lý và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, khi cần dùng đến hóa chất, bạn cần tuân theo hướng dẫn an toàn trên bao bì sản phẩm.

Ung thư đường mật tuy hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm và dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh gan – mật khác. Do đó, khi có các triệu chứng bất thường, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here