Rối loạn tiểu tiện là tình trạng khiến một người đi tiểu thường xuyên. Người bệnh luôn muốn đi tiểu vào mọi thời điểm, bất chấp đó là ban ngày hay ban đêm.
Trong điều kiện sức khỏe bình thường, tần suất đi tiểu của phụ nữ cao hơn đàn ông. Tuy nhiên, nếu bạn luôn muốn đi tiểu ở mọi thời điểm, có thể bàng quang của bạn đang hoạt động mất kiểm soát.
Rối loạn tiểu tiện ở phụ nữ là gì?
Mỗi phụ nữ có tần suất và lịch trình tiểu tiện của riêng mình. Tuy nhiên, tần suất đi tiểu trung bình là từ 6-8 lần/ngày. Nếu số lần đi tiểu vượt xa tần suất trung bình này, có thể bạn đã mắc chứng rối loạn tiểu tiện ở phụ nữ.
Tình trạng này sẽ gây ra rất nhiều bất tiện cho cuộc sống hằng ngày của bạn. Bên cạnh việc làm gián đoạn sinh hoạt, rối loạn tiểu tiện còn khiến bạn lo lắng, mất tự tin, đặc biệt là khi không xác định được nguyên nhân để tìm cách điều trị.
12 nguyên nhân phổ biến gây chứng rối loạn tiểu tiện ở phụ nữ
Thói quen, tình trạng sức khỏe, điều kiện sinh hoạt kém đều có thể là yếu tố khiến bạn mắc chứng rối loạn tiểu tiện. Dưới đây là 12 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này ở phụ nữ.
1. Tiêu thụ quá nhiều nước hoặc chất lỏng
Người uống nhiều nước sẽ đi tiểu nhiều lần hơn so với người uống ít hoặc không uống nước. Đến một mức độ nào đó, có thể bàng quang của bạn sẽ hoạt động mất kiểm soát.
Mỗi người có nhu cầu uống nước khác nhau. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ hoạt động, tính chất công việc, chế độ ăn uống. Trong điều kiện bình thường, các chuyên gia sức khỏe khuyên mỗi người nên tiêu thụ ít nhất 2 lít chất lỏng mỗi ngày. Chất lỏng được hiểu là nước lọc, canh, nước ép trái cây…
2. Rối loạn tiểu tiện do lạm dụng bia, rượu, caffeine hoặc dùng thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp hoặc một số bệnh lý khác sẽ khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn bình thường. Bên cạnh đó, bia, rượu hoặc chất caffeine có trong cà phê hoặc trà cũng hoạt động giống như một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên. Vì thế, nếu lạm dụng những thức uống này, bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn. Điều này cũng làm tăng nguy cơ khiến bạn mắc chứng rối loạn tiểu tiện.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn hoặc các loại mầm bệnh khác xâm nhập vào các bộ phận của hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo).
Bệnh UTI sẽ khiến bạn phải đi tiểu thường xuyên, kể cả ngay sau khi vừa tiểu xong kèm với các triệu chứng khác như:
Sốt
Cảm giác nóng rát khi tiểu
Nước tiểu đổi màu
Cảm thấy áp lực hoặc khó chịu xung quanh xương chậu.
4. Viêm âm đạo gây rối loạn tiểu tiện ở phụ nữ
Khi bị viêm âm đạo, bạn sẽ bị đau ở âm đạo hoặc âm hộ. Trong hầu hết các trường hợp, viêm âm đạo xảy ra do bị nhiễm trùng. Bên cạnh cảm giác đau và khó chịu ở bộ phận sinh dục, bạn cũng sẽ bị rối loạn tiểu tiện kèm với biểu hiện ngứa, nóng rát khi đi tiểu.
Viêm âm đạo cũng sẽ khiến âm đạo tiết ra chất dịch màu trắng đục, màu xám hoặc màu vàng và có mùi tanh.
5. Bàng quang tăng hoạt
Chứng bàng quang tăng hoạt còn được gọi là bàng quang hoạt động quá mức. Khi mắc bệnh, bàng quang của bạn co thắt nhiều hơn bình thường khiến bạn luôn muốn đi tiểu.
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng thường gặp ở người cao tuổi. Bên cạnh biểu hiện đi tiểu thường xuyên, người mắc bệnh bàng quang tăng hoạt thường có dấu hiệu phổ biến khác là nhu cầu đi tiểu đột ngột, cấp bách, cần đi tiểu ngay lập tức.
6. Bệnh viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là bệnh xảy ra khi các cơ trong và xung quanh bàng quang bị kích thích. Bệnh này cũng thường xảy ra ở phụ nữ hơn nam giới. Ở mức độ nhẹ, các triệu chứng bệnh có thể đến và đi đột ngột. Tần suất triệu chứng cũng khác nhau giữa người này và người khác. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều bị rối loạn tiểu tiện.
Với bệnh viêm bàng quang kẽ, bạn thường đi tiểu lắt nhắt. Nước tiểu trong mỗi lần đi tiểu rất ít. Kèm với đó, bạn có thể gặp các triệu chứng khác như đau bụng, đau vùng chậu, đau bàng quang.
7. Rối loạn tiểu tiện do sỏi bàng quang
Tương tự như sỏi thận, sỏi bàng quang xuất hiện khi các khoáng chất tự nhiên trong nước tiểu kết hợp với nhau tạo thành những cục nhỏ, cứng. Bệnh này phổ biến ở đàn ông nhưng phụ nữ cũng dễ mắc phải.
Sỏi bàng quang sẽ khiến người bệnh bị rối loạn tiểu tiện kèm với các triệu chứng khác như rát buốt khi tiểu, đau hoặc khó chịu ở vùng bụng.
8. Mang thai
Khi mang thai, tử cung của phụ nữ mở rộng hơn. Điều này làm tăng áp lực lên bàng quang khiến bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn. Trong hầu hết các trường hợp, đây là tình trạng bình thường trong thai kỳ. Tần suất đi tiểu của bạn sẽ trở lại bình thường sau khi bạn sinh con.
9. Thường xuyên bị căng thẳng và lo lắng
Rối loạn tiểu tiện đôi khi là phản ứng tức thời của cơ thể khi bạn thường xuyên đối mặt với những sự kiện gây căng thẳng, lo lắng. Nếu tình trạng đi tiểu thường xuyên của bạn xuất phát từ nguyên nhân này, nó sẽ tự động biến mất khi bạn biết cách quản lý căng thẳng.
10. Suy giảm nồng độ hormone estrogen
Estrogen là hormone sinh dục nữ. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bàng quang hoạt động đúng chức năng.
Điều đó có nghĩa là nếu nồng độ hormone estrogen suy giảm vì bất kỳ lý do nào đó, có nhiều khả năng bạn sẽ không thể kiểm soát được số lần đi tiểu của mình. Tình trạng này cũng có thể diễn ra vào ban đêm làm gián đoạn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn.
11. Bệnh tiểu đường
Rối loạn tiểu tiện là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Bệnh này cũng khiến lượng nước tiểu thải ra trong mỗi lần đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ tự động điều chỉnh lượng đường phù hợp. Kết quả của sự điều chỉnh này là có rất nhiều đường dư thừa trong cơ thể phải bị loại bỏ cùng với nước tiểu.
Bên cạnh dấu hiệu đi tiểu thường xuyên, bệnh tiểu đường còn gây ra những triệu chứng khác như mệt mỏi, khát nước hoặc đói bụng liên tục, khô miệng, ngứa ran ở tay và chân.
12. Yếu cơ sàn chậu
Cơ sàn chậu của cả nam và nữ có nhiệm vụ nâng đỡ các bộ phận trong hệ tiết niệu, trong đó có bàng quang. Nếu nó yếu đi, những bộ phận này cũng sẽ bị lệch khỏi vị trí của nó. Điều này có thể khiến bạn bị rối loạn tiểu tiện.
Phụ nữ sinh con qua đường âm đạo thường bị yếu cơ sàn chậu. Bên cạnh đó, lão hóa cũng là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan này. Để xác định được tình trạng đi tiểu thường xuyên có phải do yếu cơ sàn chậu hay không, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa tiết niệu kiểm tra.
Khi nào người bệnh cần đến bệnh viện?
Nếu biết chắc tình trạng đi tiểu thường xuyên của bạn là do uống quá nhiều nước, lạm dụng bia, rượu, caffeine hoặc mang thai, bạn chỉ cần điều chỉnh thói quen và chờ đến khi sinh con để triệu chứng này chấm dứt.
Tuy nhiên, nếu rối loạn tiểu tiện không do những nguyên nhân trên và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, sức khỏe hoặc chất lượng cuộc sống của bạn, hãy đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra. Khi đó, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm bàng quang để kiểm tra vấn đề bất thường ở bộ phận này.
Trong quá trình bác sĩ khám bệnh, bạn cũng cần chia sẻ càng chi tiết càng tốt những dấu hiệu khác (nếu có). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp bác sĩ có thêm dữ liệu để chẩn đoán bệnh chính xác.
Trong nhiều trường hợp, rối loạn tiểu tiện kèm với nước tiểu có máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn bắt đầu kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Cách cải thiện chứng rối loạn tiểu tiện
Rối loạn tiểu tiện là một bệnh lý xảy ra ở hệ tiết niệu. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần phải có phác đồ điều trị bài bản của bác sĩ. Bạn cũng cần điều chỉnh một số thói quen để nhanh chóng cải thiện bệnh.
Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đề xuất cách chữa bệnh phù hợp. Mục tiêu của việc chữa trị là chặn đứng tình trạng đi tiểu thường xuyên để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn cũng cần thực hiện một số biện pháp cơ bản, bao gồm các thay đổi trong lối sống như:
* Tránh uống nước sát giờ đi ngủ
* Cắt giảm rượu, bia, thức uống chứa caffeine
* Không sử dụng thực phẩm có chất tạo ngọt nhân tạo hoặc đồ ăn có tính axit
* Thực hiện đều đặn các bài tập cơ sàn chậu (ví dụ như kegels) đê nâng cao sức khỏe vùng chậu.
Rối loạn tiểu tiện ở phụ nữ không kèm với những triệu chứng khác thường không phải là bệnh nguy hiểm. Song nếu nó đi kèm với các biểu hiện khác lạ như tiểu đau, tiểu có máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường, bạn cần được điều trị ngay lập tức.