Thêm 8 ca mắc COVID-19 đều liên quan đến các bệnh viện ở Đà Nẵng

0
1129
Bộ Y tế 6g sáng ngày 29/7 ghi nhận thêm 8 ca nhiễm nCoV, đều liên quan đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Như vậy, trong 5 ngày qua, Đà Nẵng đều ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Các bệnh nhân từ BN439 đến BN443 cùng là nữ giới, tuổi từ 41 – 68, đều là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.

BN444, nam, 19 tuổi, là bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

BN445, nữ, 61 tuổi, là bệnh nhân tại Khoa Mắt, Bệnh viện C Đà Nẵng.

BN446, nữ, 39 tuổi, ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng, là bệnh nhân tại Bệnh viện Giao thông vận tải, Đà Nẵng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tiếp tục điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, xử lý triệt để ổ dịch theo quy định không để lây lan.

Tổng số ca nhiễm đến nay là 446, còn 77 người đang điều trị, 369 người đã được công bố khỏi bệnh. Hiện, hơn 16.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 375 người, tại cơ sở tập trung gần 13.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.

TPHCM: Kích hoạt hệ thống khám, chữa bệnh chống COVID-19 từ bệnh viện đến nhà thuốc tây

Đêm 28/7, Sở Y tế TPHCM thông báo kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế tăng cường kiểm soát, chỉ định xét nghiệm mọi trường hợp nghi nhiễm nCoV.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện củng cố, khôi phục phòng khám sàng lọc và khu cách ly nCoV. Phòng khám sàng lọc tách rời hẳn khối nhà của khoa khám bệnh, khu cách ly riêng biệt đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân thuộc nhóm nghi ngờ, xác định mắc COVID-19.

Trường hợp bệnh viện chưa có khu cách ly, phải bố trí phòng cách ly tạm tại khoa khám bệnh.

Các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường biện pháp kiểm soát đối với tất cả người đến khám chữa bệnh, như vệ sinh tay, mang khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế.

Người có triệu chứng liên quan đến COVID-19 và từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7, phải được cách ly tại bệnh viện, xét nghiệm chẩn đoán nCoV và điều trị kịp thời.

Trạm y tế và các phòng khám tư nhân sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt; có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của họ. Bố trí khám ở khu vực riêng, phân luồng riêng.

Các hiệu bán lẻ thuốc, khi tư vấn bán thuốc cho người có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt phải ghi lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh. Người dân thành phố được khuyến cáo cài đặt các ứng dụng khai báo y tế, và thông báo cho Trung tâm Y tế quận huyện.

Mỹ: Bệnh nhân số 0 khỏi bệnh nhưng mất gần hết ngón tay

Vào tháng 2, ông Gregg Garfield (54 tuổi sống ở Los Angeles) nhiễm virus nCoV trong một chuyến đi trượt tuyết ở miền bắc Italia. Ông bị coi là một trong những bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ mắc COVID-19.

Trong 2 tháng nằm viện, ông Garfield đã phải sử dụng máy thở suốt 1 tháng và chỉ có 1% cơ hội sống. Sau 3 tháng (tới tháng 5), ông được xuất viện với tình trạng thận, gan, nhận thức bình phục 100%.

Tuy nhiên, sau khi âm tính nCoV, bệnh nhân này mất hết các ngón tay phải và gần hết ngón tay trái. Kể từ đó, ông đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để cải thiện tình trạng của đôi tay. Ông Garfield cho hay, niềm vui khỏi COVID-19 đã lấn át những tổn thương ở tay chân. Ông cảnh báo mọi người, cơn ác mộng có thể xảy ra với bất cứ ai.

Các bác sĩ cho biết ông Garfield mất ngón tay do tác động của virus tới máu. Tới nay, bác sĩ đã hiểu rõ hơn về virus nCoV hơn nên họ có những giải pháp giúp ngăn ngừa đột quỵ và các biến chứng liên quan tới máu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here